Tăng tỷ lệ tiền và lượng tiền gửi về gia đình hộ nông dân

17/03/2011

Tỷ lệ tiền gửi và lượng tiền gửi về cho các hộ gia đình ở nông thôn tăng nhanh từ 2008 – 2010 là một phần của kết quả nghiên cứu trong Hội thảo trình bày và lấy ý kiến đóng góp cho “Dự thảo báo cáo Điều tra hộ gia đình tiếp cận nguồn lực ở Việt Nam” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) tổ chức ngày ngày 16/3/2011 tại Hà Nội.

Theo đó, Dự thảo Báo cáo cho biết:  57% hộ nhận được tiền gửi tư nhân trong năm 2010- so với 37% trong năm 2008; 46% hộ nhận được tiền gửi công trong năm 2010 so với 37% trong năm 2008.
Lượng tiền bình quân nhận được trong tiền gửi về tư nhân đã tăng 16% giá trị thực trong giai đoạn từ 2008 – 2010. Tiền gửi công đã tăng hơn gấp đôi giá trị thực giữa năm 2008 và 2010.
Bên cạnh đó, hộ gia đình nhận tiền từ con cái có độ tuổi lao động chính ở nông thôn tăng cao. Tỷ lệ hộ nhận được hỗ trợ từ con cái tăng lên đáng kể, từ 14% (2008) lên 24% (2010). Tỷ lệ tăng trong nhóm hộ tiêu dùng giàu nhất là lớn nhất (hơn gấp đôi). Tỷ lệ chủ hộ là nữ tăng +51%, thấp hơn so với chủ họ là nam +83%.
Kết quả này đặt ra nhiều vấn đề quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế và phân bổ nguồn lao động ở nông thôn. Khi số tiền gửi của con cái trong hộ gia đình tăng; tiền gửi về hộ gia đình tăng, đồng nghĩa với việc thu nhập người nông dân làm nông nghiệp tại địa phương tăng, nhưng lại không phải từ kết quả sản xuất nông nghiệp.
 Điều này cho thấy một thực tế rất cấp thiết trong nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nông nghiệp và đời sống những người nông dân quyết tâm bám đồng ruộng, lấy đồng ruộng làm nguồn mưu sinh chính.
 Mặc dù chủ trương dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện tốt tại một số tỉnh, nhưng trên thực tế, vài tỉnh tại đồng bằng sông Hồng hiện nay tuy diện tích đất canh tác của người dân được cải thiện nhưng  người nông dân vẫn đang chỉ sở hữu những mảnh ruộng rất nhỏ, không đủ đảm bảo diện tích để cho sản lượng cao. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng người dân không thể tự đảm bảo đời sống của mình bằng chính mảnh ruộng của họ mà phần lớn dựa vào nguồn tiền từ những lao động di cư gửi về.
 
Nhiều hộ gia đình có thu nhập chính từ con cái họ chứ không phải từ nông nghiệp
 
Báo cáo “Điều tra hộ gia đình tiếp cận nguồn lực ở Việt Nam” là chương trình hợp tác nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ chương trình Phát triển Doanh nghiệp – BSPS” do Cơ quan phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ.
Công trình nghiên cứu lần này có sự tham gia của Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp-Nông thôn (IPSARD), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM); Khoa Kinh tế- Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và Đại học Trinity, Dublin.
Điều tra  Hộ gia đình tiếp cận nguồn lực ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2004, và đã có báo cáo nghiên cứu vào các năm 2004, 2006, 2008.
Báo cáo năm 2010 được nghiên cứu, phỏng vấn khoảng 3000 hộ tại 12 tỉnh tại các khu vực: Châu thổ sông Hồng: Hà Tây cũ. Đông Bắc: Lào Cai, Phú Thọ. Tây bắc: Lai Châu, Điện Biên. vùng biển bắc Trung bộ: Nghệ An. Vùng nam Trung bộ: Quảng Nam, Khánh Hòa. Vùng cao nguyên Trung bộ: Đác lắc, Đắc nông, Lâm Đồng. Vùng châu thổ sông Mê Kông: Long An.
 Nghiên cứu này có 6 chương, với các nội dung: Đặc điểm chung của hộ gia đình; Lao động và thu nhập; Đất - quyền sử dụng và đầu tư thị trường; Sản phẩm nông nghiệp; Rủi ro, bảo hierm, tiết kiệm và tín dụng; Vốn xã hội và truy cập thông tin.
Báo cáo sẽ giúp hiểu rõ hơn về tiếp cận nguồn lực hữu ích cả các hộ gia đình ở Việt Nam, dựa trên cơ sở số liệu điều tra năm 2010 và so sánh với kết quả điều tra năm 2008.
 

Phòng truyền thông AGROINFO


Tin khác