Làng nghề lao đao trong “bão giá”

17/03/2011

Trong bối cảnh “bão giá”, các làng nghề ở Hà Nội đang chịu ảnh hưởng không hề nhỏ. Các làng nghề đang có nguy cơ mai một bởi cách làm ăn nhỏ lẻ, thương hiệu bị mất dần.

Làng nghề thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) là một trong những làng nghề nổi tiếng của Hà Nội với sự tinh xảo và tỉ mỉ trong từng thành phẩm thêu. Để làm ra được một bức tranh, có khi người thợ phải mất vài năm, với đầy đủ các công đoạn từ xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, đến thêu, tỉa.
Thời gian gần đây, làng nghề thêu Quất Động đang dần bị mai một. Từ khi xuất hiện những doanh nghiệp, khu công nghiệp, thanh niên trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống. Số theo nghề chỉ còn 30-40% và cũng chỉ thêu theo thời vụ và theo hợp đồng chứ không sống bằng nghề.
Lý giải vấn đề này, ông Trịnh Đình Miền (Phó chủ tịch phụ trách kinh tế - xã Quất Động) cho biết: "Thu nhập mỗi ngày của một thợ thêu rất thấp, thông thường là 15.000 - 20.000 đồng/ngày. Trừ những thợ giỏi, có nhiều đơn hàng thì được 50.000 đồng/ngày. Mức thu nhập như thế không đủ để họ trang trải cuộc sống".
Từ khi giá xăng, điện được điều chỉnh, việc hoạt động, duy trì nghề thêu càng trở nên khó khăn. Bà Hoàng Thị Khương - một nghệ nhân thêu nổi tiếng của Quất Động - cho biết: "Từ khi chỉ lên giá 500.000/kg, chúng tôi không dám pha nhiều để thêu nữa, hàng đặt bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Không có vốn nên đành phải làm cầm chừng như thế". Cũng theo cô Khương, mặc dù giá nguyên liệu như chỉ, vải ... và công làm có tăng lên, nhưng giá bán các bức tranh thêu thì không thể tăng theo vì sợ mất hợp đồng.
Anh Chỉnh - một người gắn bó với nghề thêu hơn 20 năm nay - chia sẻ: "Bây giờ nếu chỉ thêu hàng cao cấp thì không đủ sống, nên nhiều người phải chuyển sang hàng may mặc "ăn ngay", chất lượng thấp". Anh còn cho biết, nếu thêu hàng thời trang thì tiền công cao nhất là 50.000 - 70.000đồng/người, còn thêu hàng tranh nghệ thuật là 45.000 đồng/người.
Cũng giống như làng nghề Quất Động, làng nghề mộc ở Thạch Thất (Hà Nội) cũng gặp khó khăn trong bối cảnh giá xăng và điện tăng cao. Theo ông Vương Đình Thành, một chủ xưởng mộc ở Hương Ngải, phần lớn gỗ được nhập từ Hà Nội, Hữu Bằng đều tăng giá: gỗ lim tăng từ 32 triệu đến 35 triệu/khối, gỗ nghiến tăng từ 18 triệu đến 22 triệu/khối, gỗ dổi cũng tăng từ 15 triệu lên 18 triệu/khối ...
Do việc điều chỉnh giá điện, xăng, nên giá công thợ và giá thành sản phẩm cũng bị đẩy lên tương ứng. Ông Thành cho biết, công thợ trước đây chỉ khoảng 120.000 đồng/người/ngày, bây giờ phải tăng lên 150.000 đồng/người/ngày; vì vậy, giá thành sản phẩm là ra cũng dao động từ 10- 13% so với trước đây. Ông Thành chia sẻ: "Có rất nhiều hợp đồng chúng tôi đã ký trước khi tăng giá điện, xăng, bây giờ không làm thì mất uy tín, còn làm tiếp thì lỗ quá ".
Hiện nay, thành phố Hà Nội có 1.270 làng có nghề, trong đó có 272 làng đã được công nhận làng nghề, nhưng mới chỉ có sản phẩm bánh chưng của làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì) đã đăng ký thương hiệu và công bố tháng 12-2009 vừa qua. Với cách làm ăn nhỏ lẻ của các làng nghề như hiện này, cộng với việc “bão giá” đang là nguy cơ các làng nghề bị mai một dần. Lúc này các làng nghề rất cần có tên tuổi, định hướng kịp thời.
AGROINFO – Theo Báo Lao động

Nguồn: http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Lang-nghe-lao-dao-trong-bao-gia/36223


Tin khác