Kết quả cuối cùng thuế CBPG cá tra lần 6: DN thở phào

17/03/2011

Tuy Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chưa có công bố chính thức, nhưng VASEP và các doanh nghiệp Việt Nam đã có được những thông tin kết luận cuối cùng của DOC về đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 6 (POR6), do các luật sư đại diện cho phía Việt Nam gửi về.

Theo đó, trong những bị đơn bắt buộc của POR6, các công ty Vĩnh Hoàn, Vinh Quang và CL-FISH được tính thuế chống bán phá giá (CBPG) là 0%, các Cty Agifish, ESS LLC và South Vina được tính thuế CBPG là 0,02%, tương đương với 2 cent/kg cá tra. Cụ thể, trong kết quả sơ bộ, công ty Vĩnh Hoàn phải chịu thuế suất 4,22 USD/kg, nay còn 0 USD/kg. Các công ty Agifish, ESS LLC và South Vina từ mức thuế suất 4,22 USD/kg theo kết quả sơ bộ, nay còn 2 cent/kg. Cty Vinh Quang từ thuế suất 2,44 USD/kg trong kết quả sơ bộ, nay còn 0 USD/kg.
 
Cty CL-FISH đến năm nay mới bắt đầu được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ và hiện mới đang ở giai đoạn chuẩn bị hàng hóa, được tính thuế suất cuối cùng là 0 USD/kg. Các doanh nghiệp còn lại không thuộc danh sách bị đơn bắt buộc vẫn tiếp tục chịu mức thuế CBPG chung là 63% (2,11 USD/kg) giống như ở kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 5.
 
Như vậy, kết quả cuối cùng của POR6 đã quay ngược 180 độ so với kết quả sơ bộ mà DOC công bố hồi tháng 9/2010. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, CT HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), sở dĩ có được điều này là nhờ sự đấu tranh, vận động quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, VASEP và sự hợp tác tốt của bản thân các doanh nghiệp nước ta với đoàn kiểm tra của DOC.
 
Như với Cty Vĩnh Hoàn, khi DOC kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp, Vĩnh Hoàn đã cung cấp đầy đủ ngay những hồ sơ cần thiết, qua đó đã chứng minh được rằng công ty không hề bán phá giá vào thị trường Mỹ. Nhờ đó, DOC đã có cách đánh giá khách quan hơn đối với nghề nuôi cá tra ở Việt Nam và đã quay trở lại dùng các giá trị thay thế từ Bangladesh như trước đây, thay vì Philippines như ở lần đánh giá sơ bộ hồi tháng 9 năm ngoái.
 
Kết quả này cũng nằm ngoài sự trông đợi của các doanh nghiệp và các luật sư. Bởi hồi tháng 9 năm ngoái, khi vừa có kết luận sơ bộ POR6, một luật sư người Mỹ là ông Andrew B.Schroth, người rất nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh bảo vệ cho các doanh nghiệp ở các vụ kiện chống bán phá giá do Chính phủ Mỹ áp đặt, đã cho rằng khó có thể lật ngược tình thế 1800 để đưa thuế chống bán phá giá từ mức 130% theo kết luận sơ bộ xuống còn 0% như trước đây. Thậm chí ông Andrew B.Schroth chỉ dám mong mức thuế trong kết luận cuối cùng sẽ không vượt quá 100%.
 
Những thông tin trên đã khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ, nhất là nhóm doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất từ 0-0,02% thở phào nhẹ nhõm. Ông Nguyễn Xuân hải, Phó TGĐ Cty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (CL-FISH) cho biết “Đây là một thông tin rất đáng vui mừng đối với doanh nghiệp chúng tôi nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Tôi mong sao trong những lần xem xét hành chính thuế chống bán phá giá sắp tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ đồng lòng với nhau hơn nữa để có thêm những doanh nghiệp cũng được hưởng mức thuế bằng không”.
 
Trước khi có kết luận cuối cùng của DOC về POR6, việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn được tiến hành một cách bình thường, bởi nhu cầu nhập khẩu cá tra của nước này đang gia tăng, đồng thời giá xuất khẩu vào Mỹ rất tốt. Theo ông Nguyễn Xuân Hải, hiện tại giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đang ở mức từ 4,5-5 USD/kg, cao hơn hẳn so với giá xuất khẩu vào EU (khoảng 3,15-3,2 USD/kg). Nếu xuất khẩu cá tra ở mức 3,15-3,2 USD/kg vào EU, doanh nghiệp đã có lời, bất chấp giá cá nguyên liệu trong nước đã lên tới 25.000-26.000 đ/kg, thì rõ ràng với giá xuất khẩu lên tới 4,5-5 USD/kg vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp vừa được tính thuế chống bán phá giá từ 0-0,02% đang có cơ hội lớn để thu về nhiều lợi nhuận từ con cá tra.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
 

 

 
 

Tin khác