Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2010: Doanh nghiệp vẫn kêu “bị làm khó”

17/03/2011

Môi trường kinh doanh của các địa phương năm 2010 không cải thiện được nhiều so với năm 2009. Các doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải chịu nhiều gánh nặng về các chi phí không chính thức, môi trường pháp lý không minh bạch, cơ sở hạ tầng còn yếu kém...

Những thông tin này được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết ngày 16.3, tại buổi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2010). Đây là năm thứ 6 chỉ số này được công bố nhằm đánh giá "chất lượng thực tế" của điều hành kinh tế địa phương. Kết quả khảo sát 2010 tổng hợp từ đánh giá của 7.300 DN dân doanh và 1.155 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
 
Nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền việc khó tiếp cận thông tin về các chính sách, quy định mới của Nhà nước. (Ảnh minh họa).
 
Tỉnh "rất tốt" ngày càng ít...
Ông Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, kết quả điều tra PCI năm 2010 đã cho một số kết quả "đáng buồn". Đó là số tỉnh "rất tốt" đang ngày càng ít đi, năm 2010 chỉ còn 3 địa phương lọt vào nhóm "rất tốt" là Đà Nẵng, Lào Cai và Đồng Tháp (năm 2006 có 6 tỉnh). Ngay địa phương dẫn đầu là Đà Nẵng cũng giảm điểm chỉ còn 69,77.
Lần đầu tiên PCI năm 2010 không có tỉnh nào "thấp" mà chỉ có "tương đối thấp" là Lạng Sơn, Hòa Bình, Hưng Yên, Sơn La, Đăk Nông (năm 2009, tỉnh Cao Bằng xếp mức thấp).
Chất lượng điều hành cũng được PCI năm 2010 chỉ ra những điểm yếu, đó là sự tụt điểm của các chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, môi trường pháp lý. 6 năm qua, các điểm yếu nhất đã được các địa phương khắc phục, song nhiều lĩnh vực cần cải cách cao hơn thì lại chưa thực hiện được.
"Điều này đòi hỏi các địa phương phải có sự cải cách sâu rộng, cùng với cải cách cả về thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung" - ông Huỳnh nói.
Nhiều lĩnh vực thụt lùi
Những chỉ số cải thiện trong năm 2010 như đào tạo lao động (với 47% DN đánh giá) là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực đã bị "thụt lùi". Sau 4 năm cải thiện, chỉ số gia nhập thị trường đã bị dừng lại từ năm 2009. Và năm 2010, tỷ lệ cần thêm giấy phép kinh doanh mới đã tăng lên 14,68%. Tỷ lệ DN chờ hơn 1 tháng mới hoàn tất thủ tục tăng từ 19,35% (năm 2009) lên 24,34% (năm 2010).
Tính minh bạch cũng giảm tiếp so với năm 2009 và ở mức thấp nhất trong 6 năm qua. Tới 78,64% DN cho biết "cần phải có mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước mới tiếp cận được thông tin" và gần 4/5 DN chưa từng tham gia góp ý kiến quy định, chính sách của Nhà nước do không có cơ hội.
Tỷ lệ phần trăm DN cho rằng phải mất hơn 10% thời gian để hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính cũng tăng lên 19% năm 2010 so với 15,38% năm trước đó. 1/5 DN không thấy bất kỳ thay đổi nào về thủ tục hành chính tại địa phương.
Và cuối cùng, điện là vấn đề nghiêm trọng nhất với DN khi bình quân số giờ cắt điện mỗi DN/tháng gần nhất tăng từ 50 giờ năm 2009 lên 89 giờ năm 2010; trong đó 41% cắt điện không được thông báo trước...
Bà Virginia Palmer - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho rằng, những lĩnh vực chưa được cải thiện nêu trên đang thực sự tăng thêm gánh nặng cho DN, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh quốc gia của VN. "Nếu những xu hướng tiêu cực và không minh bạch không sớm được cải thiện sẽ gây khó khăn cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh của DN tại VN.
Theo bà Virginia Palmer, các DN FDI cũng "kêu" nhiều về tình trạng tham nhũng, cơ sở hạ tầng yếu kém, chi phí không chính thức gia tăng tại các địa phương. Trong bối cảnh VN chủ trương nâng cao chất lượng đầu tư, nếu không thay đổi những lĩnh vực này, VN sẽ khó có thể thành công trong tương lai.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://www.danviet.vn/35864p1c25/doanh-nghiep-van-keubi-lam-kho.htm


Tin khác