Chính sách sai lầm dẫn tới thiếu lương thực

11/03/2011

Agroinfo- Hội thảo bàn tròn “Tác động của việc tăng giá lương thực đến nền kinh tế và đời sống nông dân Việt Nam” diễn ra ngày 9/3/2011 tại Hà Nội do IPSARD tổ chức, với sự hiện diện của GS. Peter Timmer - thành viên không thường trực của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Develoment – CGD) đã nhận được nhiều ý kiến quý giá từ vị giáo sư này. Nhiều quan điểm và gợi ý của ông về chính sách đã được ông đăng tải một phần trên Wall Street journal với tựa đề “Failed Policies Lead to Food Shortages” (Chính sách sai lầm dẫn tới thiếu lương thực). Agroinfo xin đăng nguyên văn bài viết này qua bản dịch của tác giả Trần Trí Dũng (DHVP Corp) để quý độc giả tham khảo.

C.P. Timmer, WSJ, Feb. 22, 2011 | Giá lương thực thế giới đang được đẩy lên cao – chỉ số giá lương thực của Liên Hợp Quốc tăng 28,3%, trong đó giá ngũ cốc tăng tới 44,1% - làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực có thể đang đến gần, chỉ ba năm sau lần khủng hoảng gần nhất. Liệu có phải thế giới đang thực sự hết lương thực?

Câu trả lời là: thế giới đang cạn dần lương thực giá rẻ. Thế giới vẫn rất dồi dào tiềm năng cung ứng lương thực, chỉ có điều những tiềm năng này chưa được chạm tới. Và bởi vậy, nguồn cung hiện nay đang thấp hơn nhu cầu tăng lên từ các thị trường mới nổi. Sự thiếu hụt nguồn cung lương thực này bắt nguồn từ thất bại của các chính phủ, các tổ chức phát triển và nhà tài trợ trong gần 3 thập kỷ qua trong việc đầu tư nguồn lực vào các hoạt động nghiên cứu nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông thôn và giáo dục cho hộ nông dân sản xuất nhỏ. Đây vốn là những điều kiện cẩn thiết để cải thiện năng lực sản xuất (đẩy đường giới hạn khả năng sản xuất nông nghiệp dịch sang phải).

Cho tới gần đây, khủng hoảng lương thực toàn cầu vẫn còn là hiện tượng hiếm khi xảy ra – chỉ xuất hiện khoảng 3 lần trong một thế kỷ, mỗi lần cách nhau từ 30 đến 40 năm. Lần khủng hoảng lương thực gần nhất, vào năm 1972-74, thực sự đã phân chia thế giới ra các phần khác nhau (đủ và thiếu lương thực). Trong hai năm này, giá gạo thực tế đã tăng lên 206,3%, đồng thời, giá lúa mỳ thực tế cũng tăng 118,2%, xác lập hai mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Khủng hoảng lương thực 2007-08, mặc dù khá đáng sợ vào lúc đó, vẫn tương đối êm ái so với những gì từng diễn trong thập kỷ 1970. Giá lúa mỳ, gạo và ngô – lương thực chủ chốt nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới, chỉ tăng 96,7% trong thời gian từ 2006 đến 2008, còn xa mới đạt tới mức đỉnh điểm của khủng hoảng 1972-74, nhất là nếu tính cả điều chỉnh theo lạm phát. Tuy vậy, chỉ vài năm sau, chúng ta vào lúc này lại một lần nữa phải bàn tới vấn đề giá lương thực đắt đỏ.

Ảnh: Internet

 

Phần lớn tranh cãi chính sách đều quay trở lại tập trung vào việc làm thế nào bảo vệ người nghèo không bị đói. Quan tâm tới lợi ích của người nghèo trong bổi cảnh khủng hoảng lương thực là hoàn toàn dễ hiểu. Hộ gia đình nghèo thường tiêu dùng 2/3 thu nhập cho lương thực. Giá lương thực tăng cao đe dọa trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và thậm chí là sự tồn tại của họ.

Giá lương thực đột ngột tăng lên cũng sẽ tạo ra tác động chính trị. Không gì đẩy những người dân giận dữ xuống đường nhanh hơn và thôi thúc hơn giá lương thực thiết yếu tăng lên mau chóng. Các nhà lãnh đạo Tunise và Ai Cập đã có bài học đắt giá về điều này.

Đó là lý do tại sao các chính khách tại những quốc gia đang phát triển đặc biệt nhạy cảm với mức giá và tốc độ thay đổi giá lương thực. Các nhà lãnh đạo ở những quốc gia này luôn tập trung tìm tới giải pháp nhanh và có hiệu lực ngay trong ngắn hạn để đối phó với khủng hoảng giá lương thực. Nhưng cách ứng phó này sẽ kèm theo chi phí thực sự lớn với đầu tư dài hạn và các sáng kiến chính sách, dù rằng các chi phí này hiếm khi được chú ý ngay từ đầu.

Con đường bền vững duy nhất để thoát khỏi đói nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn là dịch chuyển cấu trúc nền kinh tế được dẫn dắt bởi năng xuất sản xuất nông nghiệp cao hơn, tiến trình di chuyển lao động chậm rãi từ trang trại sang nhà máy, và tăng trưởng của khu vực dịch vụ dựa trên tri thức và kỹ năng. Tất nhiên, quá trình dịch chuyển cấu trúc này với mỗi quốc gia sẽ có những đặc tính riêng, nhưng xu hướng chung thì giống nhau, từ thời kỳ đầu giai đoạn chuyển đổi ở Đông Âu, tới tăng trưởng nhanh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và giờ đây là Trung Quốc, cũng như phần đông các quốc gia châu Á còn lại.

Tiến trình dịch chuyển cấu trúc muốn thành công cần có tầm nhìn đầu tư dài hạn từ cả chính phủ và khu vực tư nhân, sự ổn định được duy trì với môi trường kinh tế vĩ mô, cùng với mở cửa trong thương mại hàng hóa, dịch vụ và ý tưởng. Anh quốc đã thực hiện điều này vào cuối thế kỷ 18. Đức và Nhật thực hành giữa thế kỷ 19. Các nước Đông Á hoàn thành việc kết hợp đầu tư dài hạn với ổn định vĩ mô và mở cửa thương mại trong thế kỷ 20. Đầu thế kỷ 21, Brazil, Ghana và Indonesia dường như cũng đã gặt hái được thành công trong dịch chuyển cơ cấu và cắt giảm mạnh mẽ tình trạng đói kém và nghèo khổ.

Các nhà hoạch định chính sách, những người luôn sống trong ngắn hạn, có xu hướng lo ngại cho vị trí của mình trước khủng hoảng ngân hàng, nổi loạn vì thiếu lương thực và các nguy cơ trực diện khác thay vì tập trung quan tâm cho các nhu cầu dài hạn của nền kinh tế. Bởi vậy, nghiên cứu nông nghiệp và hạ tầng nông thôn hầu như bị bỏ quên. Cái giá của sự lơ đãng này là những gì mà tất cả chúng ta đang thấy.  Từ giữa thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990, chi tiêu công cho nghiên cứu nông nghiệp tại tiểu vùng Sahara, châu Phi không hề tăng lên, trong khi, khoản chi tiêu này tai châu Á tăng 5%. Kết cục của hai châu lục hoàn toàn khác biệt. Năng suất đầu người trong sản xuất nông nghiệp tại châu Phi giai đoạn 1990-2002 và 2001-03 chỉ tăng 7%. Tại châu Á, năng suất bình quân đầu người vào giai đoạn này đã tăng 36%.

Thảm kịch là người nghèo phải trả giá cho sai lầm của những người hoạch định chính sách. Không có năng suất lao động cao hơn, không có cơ hội làm việc phi nông nghiệp cho con cái, và với đe dọa thường trực của thiếu thốn lương thực, người dân không có cách gì thoát khỏi bẫy đói nghèo. Khủng hoảng lương thực khiến người nghèo phải chịu đựng thiệt hại hai lần. Trong ngắn hạn, họ lâm vào nạn đói. Trong dài hạn, họ không còn cơ hội và hy vọng.

Chúng ta có thể làm tốt hơn những gì đang diễn ra. Nghiên cứu cho nông nghiệp không phải thứ gì đó đắt đỏ. Một nhóm chuyên gia nghiên cứu của Asia Society và IRRI ước tính năng suất trồng lúa thế giới có thể tăng thêm 8,5% nếu nhận được đầu tư 120 triệu USD trong 20 năm từ 2010 đến 2030. Khoản đầu tư này chỉ tương đương với 0,0002% GDP toàn cầu. Những cơ hội tương tự tồn tại với phần lớn các loại hoa màu lương thực quan trọng của thế giới. Thật khó để tưởng tượng ra khoản đầu tư nào mang lại lợi nhuận lớn hơn thế./.

                                                     Trần Trí Dũng (DHVP Corp) dịch

 

Qúy vị có thể tham khảo nguyên văn bài viết tại địa chỉ: 

http://online.wsj.com/article/SB10001424052748704476604576157611079551494.html.

 

Phòng truyền thông AGROINFO

 

 


Tin khác