Doanh nghiệp không tìm ra đơn hàng xuất khẩu mới khi bị đứt hợp đồng tập trung ở một số thị trường. Từ đầu năm 2010 đến nay, ngoài hơn hai triệu tấn gạo bán sang Indonesia, Malaysia, Bangladesh và Cuba theo hợp đồng tập trung cấp chính phủ, hầu như doanh nghiệp chưa ký thêm được bất cứ đơn hàng xuất khẩu nào lớn.
Đây là nguyên nhân chính khiến giá lúa gạo nội địa vài tuần nay lên xuống thất thường, nông dân thì lo lắng còn doanh nghiệp chần chừ thu mua vì sợ thua lỗ.
Trứng bỏ một rọ
Doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, đầu ra gặp khó khăn, vì đối tác thường nhập khẩu tới hơn 30% lượng gạo của Việt Nam là Philippines đến nay vẫn chưa công bố kế hoạch mua gạo.
Thị trường Philippines hay châu Á nói chung có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam. Theo thống kê, trong suốt hơn 20 năm qua, các nước châu Á luôn nằm trong tốp đầu thị trường nhập gạo Việt Nam, với trung bình 60 – 70% sản lượng.
Chẳng hạn, năm 2010, Việt Nam xuất hơn 6,7 triệu tấn, thì châu Á chiếm 70,57% thị phần với hơn 3,2 triệu, trong đó riêng Philippines gần 1,8 triệu tấn.
“Khi có bất kỳ một trong số các quốc gia này thay đổi kế hoạch mua gạo, ngay lập tức Việt Nam bị ảnh hưởng”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thừa nhận.
|
Sau hơn 20 năm, gạo Việt Nam vẫn "loanh quanh" thị trường Đông nam Á (IE) |
“Mất nhạy bén thị trường!”
Ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho rằng, thị trường châu Á không chỉ mua ổn định số lượng lớn, mà việc bán gạo vào đây cũng quá dễ dàng do các mối quan hệ cấp Chính phủ tạo ra. Theo ông Tụng, hàng năm, doanh nghiệp chỉ cần chờ đợi đến khi các nước này mở thầu nhập khẩu gạo tập trung, rồi cử người qua tham gia, và họ thường biết trước chắc chắn phần thắng thầu thuộc về mình.
Ông Tụng ví hình thức bán gạo như vậy, chẳng khác gì kiểu lưu thông theo kế hoạch, mang tính bao cấp.
“Một số doanh nghiệp chỉ việc ngồi nhà cũng được chia hợp đồng mà khỏi mất công sức, trí tuệ tìm kiếm”, ông Tụng nói.
Việc trên triệt tiêu khả năng nhạy bén thị trường của doanh nghiệp. Ngoài ra còn làm cho họ mất động lực tìm cách tối đa hoá lợi nhuận khi đem hạt gạo ra nước ngoài bán.
Thực tế, ngay bản thân Philippines cũng đã nhận ra hạn chế từ việc mua gạo theo hình thức đấu thầu tập trung. Từ đầu năm 2011, họ muốn tự do hoá thị trường gạo bằng việc cấp quota nhập khẩu cho thương nhân nhằm tìm kiếm giá mua gạo rẻ hơn.
Giảm phụ thuộc?
Theo ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), một số thị trường tập trung đem lại lượng gạo xuất khẩu ổn định cho Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, cũng đồng ý với những quan điểm nêu trên, ông Diệu cho rằng, khi đầu ra cho hạt gạo chỉ được định vị sẵn ở một vài thị trường gạo cấp thấp như Philippines, Indonesia, Malaysia… tất yếu sẽ tạo ra hệ quả đó là cả hệ thống đầu vào trong sản xuất lúa gạo, từ khâu chọn giống, kỹ thuật canh tác cho đến công nghệ chế biến bị chậm đổi mới.
Do đó, ông Diệu cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp dứt khoát phải giảm bớt phụ thuộc, tìm kiếm thêm thị trường mới để ý thức hơn đến việc tạo ra giá trị gia tăng thêm cho hạt gạo.
AGROINFO – Theo Báo SGTT
Nguồn:http://sgtt.vn/Kinh-te/141706/Tu-tim-don-hang-doanh-nghiep-xuat-khau-gao-gap-kho.html