Gian nan phục hồi rừng Hoàng Liên

17/03/2011

Vụ cháy lịch sử VQG Hoàng Liên, Lào Cai đầu tháng 2/2010 được ghi nhận là lớn nhất nhiều năm trở lại đây khi thiêu rụi hơn 700 ha rừng. Một năm sau vụ hỏa hoạn, công việc khôi phục diện tích rừng bị cháy đang gặp không ít khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ tái cháy.

Còn nhớ ngày 8/2/2010, VQG Hoàng Liên bất ngờ xảy ra cháy dữ dội tại nhiều địa điểm thuộc tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Do thời tiết hanh khô kết hợp gió to khiến đám cháy lan nhanh với tốc độ chóng mặt vượt qua tầm khống chế của lực lượng bảo vệ, chữa cháy rừng. Phải đến tận ngày 15/2/2010, các đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn, song hậu quả vụ cháy để lại là vô cùng nặng nề khi hơn 700 ha rừng bị thiêu rụi và một dân quân hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ngay sau đợt cháy, ngoài việc khắc phục hậu quả, VQG Hoàng Liên và tỉnh Lào Cai nhanh chóng thống kê thiệt hại để tiến hành trồng, khôi phục lại diện tích rừng bị mất.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Đăng - Giám đốc VQG Hoàng Liên cho biết: Đến thời điểm hiện tại, trong tổng số hơn 700 ha rừng bị cháy, đơn vị đã huy động người dân trồng lại được 150 ha tại những vị trí thấp và cháy nhiều, còn lại hơn 500 ha đơn vị tiến hành khoanh nuôi tái sinh nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học của VQG. Loại cây được chọn để trồng tại rừng Hoàng Liên là những giống cây đặc thù bản địa như: pơ mu, vối thuốc và tống quá sủ, tổng cộng trên 210.000 cây có độ tuổi từ 1 tới 2 năm. Nhằm giúp cây thích nghi điều kiện khí hậu trước khi đem trồng, tất cả cây con đều được ươm tại vườn các trạm kiểm lâm đóng dưới chân rừng Hoàng Liên.
 
Có mặt tại VQG Hoàng Liên, thuộc địa phận thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, huyện Sa Pa, một trong những địa điểm cháy dữ dội nhất cũng là nơi rừng được trồng lại sớm nhất, chúng tôi nhận thấy hầu hết số cây con đã bắt đầu bén rễ và phát triển, song số cây bị chết cũng khá nhiều. Lý giải nguyên nhân khiến cây bị chết, anh Nguyễn Văn Năm, cán bộ BQL Dự án 661 cho hay, đợt trồng rừng vừa qua liên tiếp gặp phải những đợt rét đậm, rét hại khiến cây con chết rét và phát triển chậm. Bên cạnh đó, do thói quen chăn thả gia súc của bà con dân tộc vùng cao nên công tác bảo vệ cây con của lực lượng kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn. Phía đơn vị đang tiến hành ươm thêm 15% cây con, sắp tới sẽ trồng dặm vào diện tích bị chết.
 
Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu cháy rừng năm trước, năm 2011 này, BQLVQG Hoàng Liên tăng cường số trạm và chốt kiểm lâm lên con số 12, thường trực 24/24 tại cửa rừng địa bàn các xã, thôn để phát hiện, cảnh báo kịp thời khi có cháy xảy ra. Trong tất cả các cuộc họp của vườn, huyện năm nay luôn dành một thời lượng nhất định để phổ biến, triển khai công tác phòng và chữa cháy rừng. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đặc biệt được chú trọng thông qua các hương ước bảo vệ rừng, lập các hội ăn thề bảo vệ rừng...
 
Giám đốc VQG Hoàng Liên, Phạm Xuân Đăng: “Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng tôi vẫn luôn đôn đốc anh em kiểm lâm không được lơ là chủ quan với “bà hỏa” được vì hiện đang là mùa hanh khô, thảm thực vật còn sót lại sau vụ cháy rừng Hoàng Liên năm ngoái dễ trở thành vật dẫn lửa nguy hiểm, trong khi thói quen đốt nương làm rẫy của bà con dân tộc chưa thể dẹp bỏ triệt để trong ngày một ngày hai nên nguy cơ tái cháy tiềm ẩn rất cao”.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
 

 

 

 


Tin khác