Giải cứu ngành chăn nuôi

17/03/2011

Cơn mưa dầm gió rét chiều ngày 15/3 dường như vẫn không làm giảm nhiệt cuộc họp khẩn bàn cách giải cứu ngành chăn nuôi khỏi tình trạng lưỡi hái giá thức ăn tăng đang chực bổ xuống đầu…

Cuộc họp bao gồm gần 20 “ông lớn” trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, cùng các cục, vụ liên quan. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao mở màn bằng nhận định năm 2011 chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn bởi hậu quả của đợt rét đậm 35 ngày khiến trên 70.000 trâu bò chết, bởi dịch LMLM lan rộng ở 25 tỉnh thành, bởi sức ép dịch tai xanh, cúm gia cầm bám sát gót và bởi giá thức ăn công nghiệp đang ngày càng cao.
 
Theo số liệu mới nhất, tổng công suất các nhà máy TĂCN ở VN khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đạt 10,5 triệu tấn, tuy nhiên phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu với số lượng nhập lên tới 7,7 triệu tấn, trị giá 2,68 tỉ USD. Trong năm 2010 và nhất là ba tháng đầu năm 2011 giá nguyên liệu biến động như một cơn sóng thần tàn phá khốc liệt hàng triệu chuồng trại chăn nuôi. Chỉ tính những nguyên liệu chính như ngô đã tăng từ 4.300đ/kg năm 2009 lên 7.200đ và đang trên đà tiến sát 8.000đ; cám gạo từ 4.300đ/kg lên 6.300đ; sắn từ 3.000đ/kg nhảy dựng lên 5.800đ…
 
Trước tình hình này, Cục Chăn nuôi nhận định, thức ăn gia cầm tăng tương đương biến động giá thực phẩm nhưng giá lợn hơi đang tăng bất thường ở phía Bắc- khoảng 40% trái với phía Nam chỉ tăng 12,7% phần do dịch bệnh, phần bởi thị trường khổng lồ TQ hút hàng. Cục cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị nhằm kiểm soát giá TĂCN như: Giảm thuế nhập khẩu ngô và hạt lúa mỳ từ 5% xuống 0%; Tăng thế suất đối với sắn lát từ 5% lên 10% bởi có lúc chúng ta xuất có 4.000đ/kg nhưng về sau phải mua 6.000đ/kg sắn (việc điều tiết này phải tầm vĩ mô chứ doanh nghiệp cứ thấy lợi nhuận ngắn hạn là xuất); Giảm thuế nhập khẩu các loại thức ăn thành phẩm của lợn, gia cầm từ 3% xuống 0%; Thành lập quỹ bình ổn giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thiết yếu như ngô, khô dầu đậu tương; Chỉ đạo Bộ Công thương có giải pháp hạn chế cắt điện các nhà máy TĂCN.
 
Ông Phạm Đức Bình-Giám đốc Cty Thanh Bình thẳng tưng rằng chuyện bình ổn giá là cái bánh vẽ cho người chăn nuôi bởi không có chính sách gì để tác động giảm giá đầu vào cho DN nên giá TĂCN tăng mà giá thực phẩm bán ra bị bình ổn là vô tác dụng. Theo ông Bình sáng kiến lập quỹ bình ổn giá nguyên liệu của Cục Chăn nuôi cũng không nên vì đi ngược với quy luật cạnh tranh.
 
Ông Lê Quang Thành- TGĐ Cty CP Thái Dương cho rằng cái khó của người chăn nuôi hiện nay là chu kỳ thu hồi dài, đầu tư lớn mà tiếp cận vay vốn rất khó khăn, nếu vay được cũng với lãi suất cao. “Do vậy truyền kiếp ngành chăn nuôi VN vẫn manh mún, quản lý dịch bệnh yếu kém, không thể khá nên được. Để giảm giá TĂCN chúng ta không nên đánh thuế VAT bởi thuế này đánh gián tiếp vào đầu nông dân. Để có giá tốt cho thực phẩm cũng phải hạn chế việc nhập khẩu các thực phẩm vụn, phế phẩm giá rẻ. Chuyện xuất khẩu lợn sang TQ không phải là mối lo mà là niềm hạnh phúc của người chăn nuôi vì bán rất được giá”.
 
Đại diện Cty CP cũng cho tăng nếu giá bán thực phẩm đang tốt thì không nên có chính sách bình ổn mà hãy để tự thị trường định giá. Đại diện của Cty Lái Thiêu phản ánh nhà máy đang xúc tiến xây dựng vùng nguyên liệu chế biến cho riêng mình để chủ động về sản lượng cũng như giá, rất cần có chính sách nào đó hỗ trợ…
 
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch khẳng định: “Nước ta đang thiếu nguyên liệu chế biến thức ăn trầm trọng, tỷ lệ nhập đến 60% nên ngành chăn nuôi có phát triển hay không phải nhìn ra cảng chứ không nên nhìn vào nội địa. Muốn bàn gì thì bàn từ nay trở đi vẫn còn nhập khẩu nhiều. Vì thế nên có những chính sách ưu tiên cho DN vay vốn, mua đô la cũng như giải quyết yếu tố kỹ thuật xử lý mọt TG bởi nếu không nhập liệu từ Mỹ, Achentina về giá sẽ đội lên trông thấy".
 
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, đại diện Cục BVTV nhẹ nhàng: “Việc đưa ra quyết định tái xuất với nguyên liệu có con mọt TG cũng rất khó khăn dù đầy đủ quy trình, thủ tục. Chúng ta cần bảo vệ nông sản trong nước trước mối nguy này nên mong các đồng chí thông cảm”. Đại diện Vụ Chính sách thuế-Bộ Tài Chính luôn miệng khẳng định nông nghiệp là lĩnh vực được tạo điều kiện ưu đãi tối đa về thuế rồi, giờ hạ thuế nhập khẩu ngô, lúa mỳ không khéo là kích cầu ngoại.
 
Cuộc họp càng ngày càng trở nên chín người mười ý, thể hiện rõ sự lúng túng vì không giải pháp mới, đột phá nào được đưa ra.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác