Người trồng tiêu ở Gia Lai: Mỏi mắt chờ nước tưới

17/03/2011

Hàng nghìn héc-ta hồ tiêu ở Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) đang quay quắt trong nắng hạn. các nguồn nước đã cạn kiệt. Nhiều giải pháp đã được áp dụng nhưng không hiệu quả. Nguy cơ thất bát đang hiển hiện.

Cầm cự qua ngày
Lão nông Nguyễn Văn Tư, chủ nhân của 7 ha hồ tiêu ở thôn Hô Bua, xã Chư Pơng đang rầu rĩ nhìn những trụ tiêu đang héo quắt vì thiếu nước, lác đác vài chùm quả. Tiếp chúng tôi với gương mặt thâm quầng, hốc hác vì thức trắng đêm để canh nước tưới, ông Tư than vãn: “Giếng nhà đào hiện đã đào sâu tới 32m, vậy mà mỗi ngày đêm chỉ tưới được 35 trụ tiêu. Dù vậy cố gắng lắm thì cũng chỉ 30% diện tích được tưới… Muốn đủ nước thì phải khoan sâu tầm 70m nhưng xin phép chưa được vì nhiều thủ tục quá. Xăng dầu, phân bón đều tăng giá, chi phí tăng lên 2 – 3 lần khiến chúng tôi càng thêm lao đao”.
Cũng như ông Tư, ông Rơ Châm Gon ở thôn Hô Bi, chủ nhan của 500 trụ tiêu, cũng đau đầu vì nắng hạn. “ Vườn nhà tôi năm rồi thu hoạch 1 tấn tiêu, năm nay sợ thu không được 3 tạ. Giếng cũng đã nạo vét mấy lần nhưng cũng chỉ đủ tưới… 5 trụ tiêu mỗi ngày. Mà cũng chỉ tưới cầm chừng để giữ cây thôi”. Cách vườn nhà ông Gon một quãng, vườn ông Phạm Thế Vinh trần trụi một màu đất đỏ. Những càng hồ tiêu vàng vọt, quắt queo vì thiếu nước. Tronh 3 ha hồ tiêu của ông Vinh, 2 ha từ lâu đã không có nước để tưới. Giếng đã đào sâu tới 40m, vừa rồi đào sâu thêm 1m nữa, nhưng cũng chỉ đủ tưới dược hơn 1 giờ. Vậy là cũng như các hộ khác, ông Vinh cũng chỉ còn biết… kêu trời.
Phó mặc cho trời
Không chỉ nguồn nước tưới riêng rẽ, nguồn nước từ các công trình thủy lợi cũng đang trong tình trạng “báo động đỏ”. Công trình thủy lợi Ia Kring đang hoạt động ở mức rất thấp, chỉ cung cấp nước cho một vài đơn vị đã có hợp đồng từ trước và cũng chỉ đủ đến hết tháng 3. Họ cho biết phải từ chối rất nhiều yêu cầu cung cấp nước của các nông trường. Việc tiếp nước từ hồ thủy lợi Ia Glai về xã Ia H’lốp chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, ưu tiên tưới cho hồ tiêu – chủ yếu là để cầm cự qua ngày.
Trao đổi với Phòng NN&PTNT huyện Chư Sê về những giải pháp cấp bách để cứu hồ tiêu, P/V NTNN chỉ nhận được những giải pháp đại loại như vận động nông dân nạo vét kênh mương, tích lũy nước tưới… Điều này cho thấy các ngành chức năng huyên Chư Sê đang lúng túng trong việc tìm ra biện pháp hiệu quả giúp dân giải quyết vấn đề nước tưới.
“Sản lượng hồ tiêu trên địa bàn hai huyện Chư Sê và Chư Pưh sẽ giảm khoảng 30 – 40% trong năm nay. Với giá hồ tiêu 94 – 95 nghìn đồng/kg, hiện tại, thương hiệu hồ tiêu Chư Sê tổn thất khoảng hơn 400 tỷ đồng”. – Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê.
Đăk Lăk: Thủy nấm hại tiêu
Đã 7 tháng nay, tại xã Ea Hninh, huyện Cư Kuin, xuất hiện bệnh trên cây tiêu. Lúc đầu chỉ có vài ba gốc nhưng phát bệnh nhanh, cây nhiễm bệnh chỉ trong vòng 2 – 3 ngày là khô héo. Ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Hninh cho biết: Khi tiêu phát bệnh các cơ quan chức năng đã về kiểm tra và đưa ra kết luận, nguyên nhân tiêu chết là do bệnh thủy nấm gây ra.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay số 65 ngày 17.03.2011

Tin khác