Xuất hiện theo đúng chu kỳ, từ gần tếtcho tới hết tháng 3 âm lịch hàng năm là mùa thu hoạch trái thanh trà. Mùa này, khắp các ngã đường ở huyện Bình Minh, nhất là dọc theo Quốc lộ 54 và đường dẫn vào cầu Cần Thơ, đâu đâu cũng thấy màu vàng rực của loại trái cây đặc sản này.
|
Thanh trà chín được nhà vườn thu hái rất cẩn thận |
Ông Huỳnh Văn Trượng (Năm Trượng), 81 tuổi ở ấp Đông Hưng II, xã Đông Thành, huyện Bình Minh khẳng định: Thanh trà gốc gác là một loại cây rừng. Ở vùng Thất Sơn (An Giang), Rạch Giá, Hà Tiên, biên giới Campuchia người ta gọi là cây Sơn Trà. Loại cây này có mặt ở Bình Minh rất lâu, có khi trên cả trăm năm. Lúc còn nhỏ, ông biết cây này đã có trồng trong vườn của ông cả Ba ở làng Đông Thành và ông chủ Cẩn, Rạch Vồn, làng Mỹ Thuận (nay là ấp Thuận Tân, xã Thuận An, huyện Bình Minh). Ông Năm Trượng chỉ hàng cây thanh trà trước nhà nói: Thằng con lớn tui bao nhiêu tuổi thì mấy cây này cũng bấy nhiêu tuổi. Năm 1953, ông già tui đi đám cưới, nghe thằng cháu khoe có nhân giống được mấy cây thanh trà. Hôm sau, tui bơi xuồng vô Rạch Vồn xin về được 5 cây về trồng. Qua mấy mùa chiến tranh không chăm sóc được, cộng với thời tiết khắc nghiệt nó vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt cho tới bây giờ. Đa số những cây khác hiện có trong vườn và của những người xung quanh đều là đám cây con, cháu chắt của mấy cây tổ này. Ông cho biết thêm, bản thân cây thanh trà ở trên rừng rất chua, khi đem về đồng bằng, qua nhiều đời nhân giống, thuần dưỡng nó bớt chua, thơm hơn và có loại thanh trà có vị rất ngọt.
Hiện nay, thanh trà được trồng nhiều, tập trung ở các ấp Đông Hưng I, Đông Hưng II, Đông Hòa (xã Đông Thành), một ít ở xã Mỹ Hòa và Rạch Vồn, xã Thuận An, huyện Bình Minh. Đi từ đầu xã đến cuối xã Đông Thành, đâu đâu cũng gặp cây thanh trà trồng ngay hàng thẳng lối dọc theo các con mương mát rượi, trái chi chít vàng ươm trông đã con mắt. Bà Nguyễn Thị Hải, Chi hội phó - Chi hội phụ nữ ấp Đông Hưng II cho biết: Toàn ấp có 212 hộ thì đã có đến trên phân nửa có trồng thanh trà. Trong đó, ông Năm Trượng có 4 công vườn với 25 gốc thanh trà; ông Huỳnh Văn Vẹn, ông Mười Tài có trên một mẫu; ông Sáu Sinh, ông Ba Sang,... có khoảng 6 công. Hàng trăm hộ khác, ít thì vài cây, nhiều vài ba công, đa số mới thử nghiệm gây dựng sau này, đang thời kỳ cho trái sung sức nhất.
|
Ông Năm Trượng nói: Thanh trà là loài cây rừng cổ thụ, xưa, trồng lâu cho trái lắm. Nhưng với kỹ thuật bây giờ, dùng nhánh chiết ghim xuống đất từ hai đến ba năm thì có trái, thậm chí trồng trong chậu làm kiểng cũng được. Từ khi cây trổ bông đến lúc thu hoạch là ba tháng. Mỗi ngày chỉ cần dùng máy bơm tưới gốc, tốn chút đỉnh phân bón, chẳng cần thuốc trừ sâu gì hết, cây càng lâu năm thì càng sai trái. Tuy nhiên, theo anh Đoàn Văn Tiếp, người có 3 công thanh trà đang cho trái thì loại cây này khó tính, năm trúng năm thất. Lúc cây trổ bông mà gặp mưa hoặc sương muối thì rụng hết. Song, như lời ông Năm Trượng thì đợt bông này rụng sẽ có đợt bông khác ra tiếp, đến ba lần như vậy, thành ra trên cây luôn có trái với nhiều cỡ khác nhau. Số đã chín nhưng cũng có số còn xanh. Cái chính là biết cách cho nó ra hoa đúng lúc thời tiết tốt nhất thì sẽ có trái nhiều thôi.
Thanh trà chín được nhà vườn thu hái rất cẩn thận, thường kèm cả lá cho đẹp. Sau khi chọn lựa, phân loại, trái thanh trà được đóng thùng đưa đi các nơi tiêu thụ. Tùy theo loại thanh trà chua hay ngọt mà định giá bán rất chênh lệch nhau. Chị Nguyễn Ngọc Mai ở ấp Đông Hưng cho biết: Giá thanh trà chua, đẹp, cân cho lái được 10.000 đồng/kg; ít chua 15.000 đồng/kg; thanh trà ngọt 30.000 – 35.000 đồng/kg. Còn nếu có trái bán vào dịp Tết nguyên đán thì giá gấp đôi do nhiều người thích mua về trưng. Hiện nay, thanh trà đang được nhiều nhà vườn các vùng lân cận mua nhánh về trồng. Nhờ vậy, nhà vườn ở Đông Thành có thêm thu nhập từ việc bán cây giống với giá lên đến 25.000 – 30.000 đồng/nhánh. Gần đây, thương lái còn thu mua cả hột thanh trà nữa.
Hái cho chúng tôi chùm trái thanh trà, ông Năm Trượng chia sẻ: Trái thanh trà ngọt vỏ mềm. Trước khi thưởng thức thanh trà, người ta phải nắn hoặc xoa đều tay cho mềm để dễ lột vỏ. Trái chua vỏ cứng, ăn giòn, chấm muối ớt hoặc gọt bỏ vỏ, giằm với đường và nước đá đập nhuyễn sẽ trở thành loại nước giải khát tuyệt hảo trong những ngày hè oi bức. Những vườn thanh trà này đa số nằm cạnh Quốc lộ 54 và sông Đông Thành, cách chân cầu Cần Thơ chỉ vài km, nếu phát huy thế mạnh này làm du lịch chắc chắn sẽ rất hấp dẫn./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=451054