Mở cửa thị trường XK gạo: Xu hướng tất yếu

23/03/2011

Vì những bất cập trong cách điều hành xuất khẩu gạo và chính sách liên quan còn một số điểm hạn chế, nhiều người cho rằng, việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo sẽ là xu hướng tất yếu chứ không phải vì “cái hẹn“ WTO…

Cơ hội
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cho rằng: “Dù Nghị định 109 của Chính phủ về tổ chức kinh doanh xuất khẩu gạo còn một số điểm chưa ổn nhưng cũng quy định được vài điều khoản đối với các doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) muốn tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo đó, các DNNN khi tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam phải đầu tư nghiêm túc vào sản xuất, chế biến như đối với doanh nghiệp trong nước. Trước mắt, nghị định này không vi phạm nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì điều kiện đối với đối tượng thương nhân trong và ngoài nước là như nhau. Hơn nữa, nó giúp ngành nông nghiệp, nhất là người nông dân, có thêm thời gian để chuẩn bị, đỡ bị tổn thương khi mở cửa thị trường lúa gạo”.
Hiện những cái được của chúng ta có thể nhận diện ở hai khía cạnh: Thứ nhất, mạng lưới thu gom, tiêu thụ đang vận hành khá tốt. Hạ tầng kho bãi tuy chưa đồng bộ và hiện đại song phù hợp với điều kiện sản xuất và vận chuyển ở Việt Nam. Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm trong việc thu gom ở hầu hết các địa bàn trồng lúa phân tán và manh mún như hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, khi chúng ta mở cửa thị trường xuất khẩu gạo, đối tượng vui mừng nhất có lẽ là bà con nông dân. Càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, đặc biệt là những DNNN, nông dân càng có cơ hội thu được nhiều lợi nhuận do có sự cạnh tranh về giá cả thu mua. Thêm vào đó, các DNNN sẽ tuân thủ nguyên tắc niêm yết giá công khai, điều này đồng nghĩa với việc nông dân có thể giám sát trong chừng mực nào đó để đảm bảo lợi nhuận ở mức cao nhất.
Khi vào Việt Nam kinh doanh gạo, với lợi thế về vốn, công nghệ và mạng lưới tiêu thụ toàn cầu, các DNNN có lợi thế cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những khó khăn trước mắt khi bước vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam như: hệ thống hạ tầng kho bãi, mạng lưới thu mua chưa đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế... Cũng vì thế, DNNN phải hoàn thành các công việc mà doanh nghiệp nội mất hàng chục năm trời mới xong: có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và 1 cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ; trữ ít nhất 10% lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó; khi xuất cho bên thứ ba là nước hoặc vùng lãnh thổ có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam phải được sự đồng ý của bên bán...
Cũng vì những điều khoản trên, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin trong cuộc cạnh tranh mới này. Năm 2010 có đến 264 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu nhưng thực tế chỉ có hơn 30 doanh nghiệp thực thụ làm gạo xuất khẩu. “Nghị định 109 sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tập trung, có nguồn lực để có thể cạnh tranh với DNNN. Các doanh nghiệp nhỏ trong thời gian tới có thể trở thành chân rết cung ứng cho DNNN”, ông Phong khẳng định.
Theo ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia phân tích dự báo thị trường của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), việc mở cửa thị trường gạo mang lại nhiều cơ hội hơn là thách thức do tạo được sân chơi bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông qua cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp nhỏ kinh doanh theo kiểu kiếm lợi nhuận trước mắt sẽ không có cơ hội tồn tại. Mặt khác, mở cửa thị trường kinh doanh xuất khẩu gạo, tức là Việt Nam đã cho phép mở cửa thị trường đối với khối lượng gạo thương mại xuất khẩu, đồng thời quản lý chặt chẽ cung - cầu để đảm bảo tiêu dùng nội địa. Như vậy, trên phương diện kinh doanh xuất khẩu gạo thì việc các DNNN gia nhập vào thị trường sẽ làm tăng số lượng người mua. Và như thế, mức độ cạnh tranh cao, nông dân sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn và quyết định bán sản phẩm với giá có lợi nhất.
Cái khó lớn nhất đối với các doanh nghiệp nội là khả năng cạnh tranh về vốn, còn cái khó lớn nhất với nông dân là phải học cách làm ăn mới, tư duy mới để giao dịch với những thương gia chuyên nghiệp hơn.
Mặc dù nói là nông dân được lợi, nhưng mức độ hưởng lợi còn tùy thuộc từng vùng miền. Chẳng hạn, khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa chắc chắn mức độ hưởng lợi ít hơn vì yếu tố khoảng cách, hạ tầng và trình độ dân trí. “Đứng trên quan điểm là người sản xuất lúa, tôi cho rằng người nông dân được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường, giá gạo xuất khẩu đã tăng lên trong thời gian qua cũng có sự đóng góp của hội nhập và mở cửa. Còn đứng trên phương diện là người tiêu dùng sống ở khu vực nông thôn, mở cửa cũng là cơ hội để người nông dân, những người có thu nhập thấp được tiếp cận hàng hóa nước ngoài với giá rẻ hơn”, ông Phong nói.
Nhận diện thách thức
Ngoài những cơ hội, điều kiện thuận lợi có thể trông thấy rõ về sự cạnh tranh giá cả, thị trường niêm yết công khai giá thu mua và bán, doanh nghiệp nội và nông dân cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Khi các DNNN vào Việt Nam, một đội ngũ thương gia dày dạn kinh nghiệm và rất sành sỏi các điều khoản, luật kinh doanh gạo từ nhiều nước trên thế giới sẽ xuất hiện. Tất nhiên, họ sẽ mang theo các kỹ năng mua bán, nâng giá. Cái khó lớn nhất đối với các doanh nghiệp nội là khả năng cạnh tranh về vốn, còn cái khó lớn nhất với nông dân là phải học cách làm ăn mới, tư duy mới để giao dịch với những thương gia chuyên nghiệp hơn.
Một đại diện của VFA cho rằng, hiện cả nước có khoảng 260 doanh nghiệp nhỏ và 30 doanh nghiệp lớn tham gia thị trường xuất khẩu gạo. Ngay khi DNNN chưa xuất hiện, các doanh nghiệp nội đã gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. “Thời điểm mở cửa thị trường chính thức, nếu không có chiến lược cạnh tranh, khả năng huy động vốn, chúng ta vẫn có khả năng thua trên sân nhà. Muốn tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi từ công nghệ, kho tàng, máy móc thiết bị, đầu tư vùng nguyên liệu liên kết, chuỗi giá trị với người sản xuất, thương lái, các nhà máy xay xát, chế biến...”, ông Phong nói.
Xét về năng lực, phần lớn doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đều thua thiệt so với các DNNN. Đến thời điểm này, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước xứng tầm chuyên nghiệp, còn lại phần lớn là kinh doanh thời vụ, nhỏ lẻ và thường rơi vào tình trạng thiếu vốn.
Theo phân tích của ông Tiến, để đứng vững trên sân nhà khi các DNNN nhảy vào, chúng ta phải nhận diện được những thách thức cơ bản: khả năng bảo quản yếu, thời gian bảo quản ngắn cùng với năng lực vốn hạn chế gây sức ép lên các doanh nghiệp trong nước trong việc trữ gạo chờ giá lên; các doanh nghiệp trong nước không tự tổ chức được vùng nguyên liệu, việc kinh doanh hoàn toàn dựa vào cung - cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt nên thiếu liên kết với người sản xuất, nhà khoa học và các doanh nghiệp khác để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.
Ngoài mục tiêu chính là kinh doanh, các doanh nghiệp còn phải thực hiện trách nhiệm bình ổn thị trường mỗi khi thị trường lúa gạo trong nước có biến động; doanh nghiệp trong nước chủ yếu quan tâm đến những mục tiêu kinh doanh ngắn hạn và thiếu thông tin về thị trường thế giới.
Ngoài những khó khăn thuộc về khách quan, không thể không nói đến một hạn chế thuộc về chủ quan mà lâu nay dù ra sức dẹp bỏ nhưng Nhà nước và VFA vẫn chưa làm được, đó là vì ham lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch để tránh phải nộp thuế. Trong quá trình thu mua, các doanh nghiệp này làm mọi cách gom đủ hàng bất chấp chất lượng và việc này trong nhiều thời điểm đã góp phần đẩy giá lúa lên cao, khiến thị trường trong nước biến động.
Vì thế, ngay bây giờ, các doanh nghiệp cần chuyển từ phương thức kinh doanh truyền thống (theo kiểu thu mua, chế biến, phân loại rồi xuất khẩu) sang hình thức đầu tư kinh doanh xuất khẩu: doanh nghiệp phối hợp với địa phương và nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, chủ động đầu ra và bán với giá cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú trọng hơn nữa đến công tác thông tin và dự báo thị trường để chủ động sản xuất, kinh doanh.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/3/27570.html


Tin khác