Chọn giải pháp nhằm bình ổn thị trường phân bón

21/03/2011

Đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng phân bón hóa học trong nước đạt khoảng 6,2 triệu tấn và đáp ứng 68% nhu cầu. Cả nước vẫn phải nhập khẩu tới khoảng 2,6 triệu tấn để bù đắp cho lượng thiếu hụt.

Thông tin trên được Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương công bố trong báo cáo đưa ra tại hội thảo "Bình ổn thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối đạm Phú Mỹ" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 18/3 tại tỉnh Nam Định.
Do phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, trong thời gian qua giá phân bón trong nước đã chịu những tác động lớn từ thị trường thế giới. Ngoài ra, thị trường trong nước còn bị biến động mạnh bắt nguồn từ việc mất cân đối cung cầu cục bộ; chi phí sản xuất tăng do sự điều chỉnh của các yếu tố đầu vào cơ bản như điện, than, xăng dầu, nhân công... tỷ giá ngoại tệ/Việt Nam đồng tăng và khó tiếp cận theo giá niêm yết trên thị trường chính thức. 
Nhà nước đã đưa phân bón vào trong danh mục các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá. Tuy nhiên, việc này chủ yếu để "đối phó" và mang nặng tính mệnh lệnh hành chính nên mặc dù đã được áp dụng khá lâu nhưng không mấy hiệu quả. 
Do vậy, để chủ động hơn trong việc kiểm soát sự biến động của giá bán lẻ phân bón và phù hợp hơn với cơ chế thị trường, giải pháp bình ổn thông qua việc điều tiết cân đối cung cầu có nhiều ưu thế hơn và hiệu quả hơn. 
Giải pháp này bao gồm những biện pháp cụ thể, trong đó có việc chủ động dự trữ phân bón để sẵn sàng cung ứng khi thị trường biến động lớn hoặc mất cân đối cung cầu. Theo đó, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc. Các doanh nghiệp này sẽ nhận được những hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận nguồn cung ngoại tệ... 
Biện pháp thứ hai là tăng cường khả năng cung ứng từ nguồn sản xuất trong nước bằng việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư sản xuất như dự án Nhà máy đạm Cà Mau, Ninh Bình, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai...
Bên cạnh đó là những biện pháp khác như việc điều tiết cung cầu theo từng thời điểm qua các chính sách thuế và xuất nhập khẩu; tăng cường năng lực của hệ thống phân phối để đảm bảo mặt hàng phân bón được lưu thông thông suốt từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến người nông dân, tránh sự chồng chéo và giảm bớt những chi phí trung gian không cần thiết. 
Theo các chuyên gia, những biện pháp mang tính lâu dài trên cũng nên kết hợp với những biện pháp trước mắt như khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện các chương trình bình ổn thị trường thông qua các đợt bán hành trực tiếp tới tận tay người nông dân với giá hợp lý. 
Tại buổi hội thảo, đại diện của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) trong việc bình ổn thị trường phân bón trong nước. Theo đó, ngoài việc nhập khẩu khoảng 130-200.000 tấn/năm và duy trì mức hàng dự trữ tối thiểu 70.000 tấn/năm, từ năm 2004 đến nay, Nhà máy đạm Phú Mỹ của PVFCCo đã cung cấp gần 5 triệu tấn phân đạm chất lượng cao ra thị trường, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của cả nước./. 

AGROINFO – Theo TTXVN

Nguồn:http://www.vietnamplus.vn/Home/Chon-giai-phap-nham-binh-on-thi-truong-phan-bon/20113/82105.vnplus


Tin khác