Lúa ế vì... lục bình!

21/03/2011

Giá lúa tiếp tục xuống thấp khiến nhà nông mất vui. Đã vậy, tại một số vùng ở Long An, nông dân càng thêm thấp thỏm bởi lục bình đang "bóp nghẹt" kênh rạch, ngăn đường đưa ghe vào mua lúa.

Lục bình tăng, giá lúa giảm
Ông Trần Văn Đặng - nông dân đang canh tác hơn chục mẫu ruộng ở xã Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa, Long An), mấy ngày nay rầu rĩ vì không bán được lúa. Tuần trước, gần 80 tấn lúa nếp của ông được một hàng xáo thỏa thuận mua với giá 6.500 đồng/kg. Tuy nhiên, người này chỉ mua một ghe 20 tấn rồi không mua nữa vì chủ ghe không chịu chở tiếp do đường kênh vào ruộng khó di chuyển. Gần nhà ông Đặng và nhiều nông dân khác cũng đang đứng ngồi không yên vì ghe mua lúa không vào được.
Lục bình vây kín những tuyến kênh ở Bình Phong Thạnh
 
 
Ông Nguyễn Văn Tư - hàng xáo chuyên đưa lúa về chợ gạo Bà Đắc (Tiền Giang), than thở: "Lâu nay tui làm ăn lâu dài với nông dân, thậm chí là ứng tiền trước rồi lấy lúa sau, nhưng gần đây cũng đành "chia tay" với nhiều bà con ở khu vực Đồng Tháp Mười vì ghe xuồng không vào được”.
 
Và "kẻ" gây khó ấy chính là… lục bình! Nhiều đoạn kênh rạch ở các khu vực nêu trên đều kẹt cứng vì lục bình mọc đầy trên mặt nước. Ghe qua lại phải vẹt lục bình, ì ạch "bò" qua. Chạy máy đuôi tôm thì lá, thân và rễ lục bình bám vào chân vịt, kẹt cứng… Do đó, muốn vận chuyển lúa, chủ ghe chỉ còn cách thuê bốc vác, nhưng chi phí sẽ tăng thêm 30.000-40.000đồng/tấn. Dù vậy, nhiều chủ ghe vẫn từ chối không chở vì vướng lục bình vừa chậm quay vòng vừa tổn hại máy móc…
 
Và theo khảo sát của NTNN, không chỉ vùng Đồng Tháp Mười "kẹt cứng" bởi lục bình. Nhiều địa phương khác như Hậu Giang, Sóc Trăng, cũng gặp cảnh tương tự. Trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp nào căn cơ để hỗ trợ thì nhiều người dân "chữa cháy" bằng… thuốc diệt cỏ, thuốc khai hoang để tiêu diệt lục bình. Nhiều tuyến kênh, lục bình chết đâu chưa thấy chỉ thấy cá tôm chết thối kênh rạch vì ngộ độc, ô nhiễm…
 
Địa phương lúng túng
 
Theo nhiều chuyên gia thủy lợi, lục bình không chỉ làm tắc nghẽn giao thông, cản trở dòng chảy, mà còn làm nghẹt các điểm lấy nước tưới tiêu của người dân.
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, trước đây lục bình được coi là cây "giảm nghèo" ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Hàng năm, người dân khai thác cây này làm nguyên liệu đan giỏ xách, thảm và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu. Tuy nhiên, do một số hộ tự ý phát triển cây này, quản lý lại kém… cộng với lục bình thiên nhiên sinh sôi khiến trở thành "đại họa", ảnh hưởng đến người trồng lúa.
Cũng theo ông Đức, ngoài lục bình tại chỗ, còn một lượng lớn lục bình ở Tây Ninh cũng xuôi theo dòng Vàm Cỏ tiếp tục đổ về khiến tình trạng này càng ngày càng khó giải quyết.
"Hiện ngành nông nghiệp chỉ vận động bà con vớt lục bình, khuyến cáo không được trồng mới. Nhìn cảnh nông dân vất vả vì lục bình, chúng tôi rất đau đầu, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý triệt để" - ông Đức nói.
“Nhìn cảnh nông dân vất vả vì lục bình, chúng tôi rất đau đầu, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý triệt để.” - Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://www.danviet.vn/36306p1c34/lua-e-vi-luc-binh!.htm


Tin khác