Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam đang trên đà cải thiện: Mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của 63 tỉnh, thành đã có nhiều tiến bộ

21/03/2011

Điều này được ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra khi thay mặt Nhóm nghiên cứu trình bày kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 (PCI 2010), cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2010 từ kết quả điều tra PCI.

Ông Trần Hữu Huỳnh
Nhiều điểm mới, ấn tượng của bức tranh PCI Việt Nam 2010
Ông Trần Hữu Huỳnh đã khẳng định: Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 có một số điểm mới khá ấn tượng, trong đó phải kể đến lần đầu tiên sau khi triển khai Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (USAID) từ năm 2005 đến nay, năm 2010, trên bản đồ PCI Việt Nam, không có tỉnh nào đạt mức thấp mà chỉ có mức tương đối thấp trở lên.
PCI Việt Nam 2010 cũng đánh dấu sự kiện 10 tỉnh có mức độ, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh phân bổ đều cả 4 vùng kinh tế là đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên.
Bức tranh PCI 2010 cũng cho thấy: Chỉ cần quyết tâm chính trị lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp địa phương đó thì môi trường kinh doanh và chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh hoàn toàn có thể cải thiện được.
So sánh từ năm 2006 đến nay, PCI 2010 cho thấy, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của 63 tỉnh, thành đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt chuyển biến và cải thiện mức thấp. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức và nhiều khoảng cách trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giữa các địa phương, vùng miền. Điều này đòi hỏi cần phải có những cải cách sâu rộng, triệt để cả về thể chế và tái cơ cấu của từng địa phương.
Báo cáo năng lực cạnh tranh PCI 2010 cũng cho thấy: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam rất lạc quan khi liên tục triển khai các kế hoạch kinh doanh mới và duy trì các kế hoạch trong 2-3 năm tiếp theo. Điều này cho thấy một sức sống hết sức mãnh liệt của lực lượng này khi nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Cũng qua 5 năm thực hiện điều tra và công bố PCI (từ 2006-2010), thực tế đã chứng minh rằng, các tỉnh, thành ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chỉ số năng lực cạnh tranh, coi đó là một trong những thước đo, tiêu chí phát triển của mình; Đồng thời qua đó, tiến hành nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Cũng qua đó, cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, hệ thống các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng và hy vọng hơn vào những cải cách triệt để, kiên trì của từng cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất – kinh doanh phát triển bền vững.
Ông Vũ Tiến Lộc
Đà Nẵng, Lào Cai và Đồng Tháp - 3 địa phương đạt chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất
Báo cáo xếp hạng PCI 2010 thể hiện quan điểm của 7.300 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam tham gia khảo sát. Theo kết quả PCI 2010, doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện ở một số lĩnh vực như: Chất lượng đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng ở một số lĩnh vực khác như: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian lại có xu hướng sụt giảm. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Chỉ số PCI là công cụ hữu ích đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Trong năm nay, có khá nhiều các điển hình về sáng kiến cải cách đáng để các tỉnh học tập lẫn nhau, trong đó phải kể đến Đà Nẵng – địa phương đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là Lào Cai và Đồng Tháp. Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có bước tiến ổn định trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của mình. Nếu tính cả Cần Thơ và Long An thì khu vực này có đến 9 tỉnh, thành phố trong tổng số 22 tỉnh thuộc nhóm có thành tích “Rất Tốt” và “Tốt” trong xếp hạng PCI 2010.
 
Đối với Lào Cai, một tỉnh vùng cao, biên giới, đa dân tộc, kết quả này là sự ghi nhận những nỗ lực tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, sự hỗ trợ, quan tâm của Trung ương thông qua các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách đã được Lào Cai vận dụng hết sức sáng tạo và hiệu quả, kết hợp với sự ủng hộ của bạn bè trong và ngoài nước để phát huy nội lực, phục vụ quốc kế, dân sinh, trở thành điểm sáng trên tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc.
Đồng Tháp lại được biết đến như là một điểm sáng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi chuyển biến mạnh từ vị trí thứ 5 của năm 2008 lên vị trí thứ 4 năm 2009 và vị trí thứ ba năm 2010. Địa phương này đã triển khai nhiều cải cách trong quản lý, điều hành cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, tạo một sức hút lớn đối với cộng đồng các nhà đầu tư.
Lần đầu tiên tiến hành điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI)
Để phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, lần đầu tiên USAID/VNCI đã tiến hành điều tra 1.155 doanh nghiệp FDI đến từ 47 quốc gia và hoạt động trên khắp cả nước. Kết quả điều tra đã cung cấp những đánh giá sâu sắc về hiện trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và những thách thức trong việc thu hút đầu tư giá trị gia tăng cao hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế. Như nhận định của ông Francis Donovan, Giám đốc USAID tại Việt Nam: Điều tra PCI 2010 cho thấy để tạo bước phát triển mới cho nền kinh tế, Việt Nam cần tìm cách thu hút đầu tư chất lượng cao để nâng cao năng suất và mang lại thịnh vượng quốc gia. Điều này đòi hỏi cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và hệ thống quy định để giảm chi phí và rủi ro cho kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Virginia Palmer
Theo bà Virginia Palmer, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, chỉ số PCI được xây dựng nhằm mục đích duy nhất tạo một môi trường kinh doanh minh bạch hơn và cạnh tranh hơn. Quả thực vui mừng khi PCI đã trở thành một diễn đàn cho cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội bày tỏ những quan ngại và đóng góp những ý kiến để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam. Điều tra PCI 2010 được mở rộng tới cộng đồng các doanh nghiệp FDI. Theo kết quả điều tra này, doanh nghiệp có đặc điểm quy mô nhỏ, định hướng xuất khẩu và có biên lợi nhuận thấp, chủ yếu làm thầu phụ cho những nhà sản xuất đa quốc gia lớn hơn. Để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng năng suất và thực hiện xóa đói giảm nghèo thông qua tạo công ăn việc làm, Việt Nam cần thu hút các dòng đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Chiến lược này có thể thực hiện thông qua giảm thiểu tình trạng chi trả chi phí không chính thức, cải thiện vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn cung và chất lượng lao động...
 
Vì một sự cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả giữa các địa phương
Điều tra PCI 2010 cũng cung cấp những phân tích về vấn đề chi phí không chính thức trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những thông tin này có thể hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan nhà nước trong việc định hướng các nỗ lực, xác định ưu tiên cho các lĩnh vực mà doanh nghiệp dễ có xu hướng chi trả chi phí không chính thức, cũng như trong việc áp dụng kết hợp các giải pháp quản lý và công nghệ nhằm giảm thiểu tham nhũng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Báo cáo PCI 2010 còn thực hiện phân tích về hiện trạng trả chi phí không chính. Bằng chứng cho thấy trả chi phí không chính thức vẫn là vấn đề bất cập đối với doanh nghiệp và cần được sự quan tâm cải thiện của lãnh đạo chính quyền địa phương. Bởi thế, như phân tích của bà Virginia Palmer, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế đòi hỏi có sự lãnh đạo và cam kết liên tục từ các cấp lãnh đạo của Chính phủ ở cả Trung ương và địa phương trong việc đối phó với những thách thức, như cơ sở hạ tầng, quản lý hành chính, tham nhũng và phát triển nguồn nhân lực…
Bà Virginia Palmer cũng bày tỏ hy vọng, chính quyền 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam tiếp tục sử dụng chỉ số PCI như một công cụ tự đánh giá, giúp họ nhìn nhận được hiện trạng môi trường kinh doanh địa phương mình trong tương quan so sánh với các địa phương khác và định hướng tập trung vào các lĩnh vực cần cải thiện. Thực tế cũng chỉ ra, cho tới nay, nhiều tỉnh đã xây dựng các kế hoạch hành động để cải thiện các lĩnh vực trong PCI còn yếu kém nhằm mục đích thu hút nhiều đầu tư hơn nữa vào địa phương mình.
Đã có không ít hồ nghi tác động của PCI khi lần đầu tiên chỉ số này được công bố. Tuy nhiên, Báo cáo công bố hàng năm đã trở thành một sự kiện được biết đến rộng rãi. Quả thực, PCI đã giúp tạo ra được một sự cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả giữa các địa phương./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=450404#


Tin khác