Chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi

18/03/2011

Những ngày vừa qua, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ gây mưa rào, trời rét đậm, rét hại. Trước tình hình này, các địa phương chịu ảnh hưởng đã chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Tại Hà Giang: Chỉ trong 3 ngày 14-16/3 có thêm 263 con gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM), trong đó, trâu: 253 con; bò 10 con, nâng tổng số gia súc bị mắc bệnh LMLM trên địa bàn toàn tỉnh là 8.734 con (trâu: 5.161 con; bò: 2.669; lợn: 573 con; dê: 331 con). Dịch tập trung bùng phát mạnh chủ yếu ở 4 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê.
Chủ động tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc
 
UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh khẩn trương triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm khống chế các ổ dịch không cho phát sinh thêm. Tại các vùng đang có dịch bùng phát mạnh, tỉnh thành lập các chốt kiểm dịch tại các tuyến giao thông ra vào xã; cấm giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc bị mắc bệnh LMLM, đối với gia súc bị chết phải xử lý theo quy định. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi không chăn thả gia súc, không dấu dịch, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch; hạn chế người đi vào vùng dịch; công tác giám sát dịch đến tận thôn, bản; vệ sinh khử trùng, tiêu độc…
Theo Chi cục thú y Hà Giang, nguyên nhân dịch LMLM đang lây lan ra diện rộng là do công tác triển khai phòng chống dịch còn yếu. Đặc biệt, tại các thôn, bản ở các xã ở vùng sâu, vùng xa tại các huyện: Xín Mần, Bắc Mê, Mèo Vạc... Nhiều hộ dân ở các thôn, bản chưa nắm được các biện pháp phòng chống dịch dẫn đến hiện tượng người dân chăn nuôi thả trâu, bò bị mắc bệnh lẫn với trâu, bò không mắc bệnh, gây nên tình trạng dịch bùng phát rất nhanh, việc triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch khó thực hiện được. Cùng với đó, thời tiết mưa và rét hại ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch.
UBND tỉnh Phú Thọ đã công bố dịch LMLM gia súc trên địa bàn huyện Cẩm Khê. Hiện nay, 25 con trâu, bò của 22 gia đình ở 4 khu thuộc xã Đồng Cam bị mắc bệnh LMLM, trong đó có 4 con đã chết. Tại xã Tam Sơn, có 16 con trâu, bò của 12 hộ cũng bị mắc bệnh, trong đó 2 con đã bị chết.
Để khống chế dịch bệnh lây lan, Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với chính quyền địa phương lập chốt kiểm soát ở các khu vực có dịch; phun thuốc khử trùng tiêu độc mỗi ngày một lần ở các gia đình có gia súc mắc bệnh, 2 lần/tuần ở các khu dân cư có dịch; tiêm vắc-xin phòng bệnh LMLM cho toàn bộ gia súc của 2 xã có dịch. Đồng thời, ngành thú y cũng tăng cường quản lý gia súc mắc bệnh; vận động nhân dân không giết mổ, không vận chuyển gia súc bị bệnh; tuyên truyền để người chăn nuôi không hoang mang và biết cách chăm sóc gia súc...
Hải Dương: Việc tiêm phòng các loại vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả cho lợn, trâu, bò ở tất cả các huyện, thị xã và thành phố đã được tăng cường nhằm tạo khả năng miễn dịch, duy trì mức kháng thể, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc.
Tăng cường phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại phòng chống dịch bện lây lan
 
Chi cục Thú y đã cấp phát đầy đủ các loại vắc xin, vật tư cho các trạm Thú y, đảm bảo lịch tiêm phòng đúng thời hạn quy định của UBND tỉnh. Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, giết mổ tiêu thụ gia cầm ở các điểm và các chợ; hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cầm tự giết mổ, tiêu thụ gia cầm phải qua kiểm dịch thú y nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo: Hiện nay, do thời tiết rét đậm đột ngột, các địa phương, người chăn nuôi không nên chủ quan, lơ là trước dịch bệnh.
Trong vụ xuân 2011, tỉnh Hải Dương triển khai tiêm gần 160 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn, gần 100 nghìn liều vắc xin tụ dấu lợn, hơn 11 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò và gần 50 nghìn liều vắc xin phòng dại. Một số huyện như: Bình Giang, Nam Sách, Ninh Giang và Thanh Miện có khối lượng đàn gia súc lớn đã thực hiện tương đối tốt việc tiêm phòng.

UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức cuộc họp với 6 huyện, thành phố và các đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn lợn và dịch cúm gia cầm H5N1 trong toàn tỉnh.
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam tại cuộc họp, từ khi phát hiện dịch LMLM vào ngày 1/3 tại xã An Mỹ (huyện Bình Lục) đến ngày 11/3 số lợn bị LMLM là 67 con, trong đó đã tiêu hủy 49 con và 18 con đang được cách ly để điều trị. Song, qua kiểm tra tại một số địa phương trong tỉnh vẫn còn tình trạng người dân vứt xác gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân xuống mương máng, sông ngòi. Đây sẽ là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Nam đã triển khai hàng loạt các biện pháp để chủ động đối phó với dịch, hạn chế thấp nhất những thiệt hại đến sản xuất và người chăn nuôi như: thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm mẫn cảm với bệnh ra ngoài vùng dịch; tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và các phương tiện giao thông qua lại địa bàn có dịch, thực hiện nuôi nhốt gia súc bị bệnh tại chuồng trại; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về bệnh dịch này, vận động người chăn nuôi chủ động phòng bệnh, đầu tư chăm sóc, thực hiện tiêm phòng theo đúng quy định nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi; phổ biến cách nhận biết các triệu chứng cũng như biện pháp phòng chống dịch LMLM và cúm gia cầm H5N1 để người dân kịp thời phát hiện, xử lý...
Ngành Thú y tỉnh Đồng Tháp đang tăng cường công tác tiêm phòng và quản lý đối với đàn vịt chạy đồng và đưa 2 triệu liều vắc - xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã tiêm phòng cho hơn 160 ngàn con lợn, hơn 2,1 triệu con gà và vịt, đồng thời cấp phát hơn 13 ngàn lít Benkocid và 340 kg Formol phun xịt chuồng trại.
Ông Võ Trọng Phước – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trước tình hình bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc có nguy cơ tái phát, ngành thú y đang tiến hành tiêm phòng đợt I/2011 trên đàn gia súc, dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ hoàn thành. Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cũng được ngành đặc biệt chú trọng.
Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương phát động tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; kết hợp tiêm phòng vắc - xin, tập trung chỉ đạo sâu sát ở các vùng hay xảy ra dịch bệnh, vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng ổ dịch cũ và thường xuyên kiểm tra tiến độ tiêm phòng. Chi cục Thú y đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ các loại vắc - xin. Các Trạm thú y huyện, thị, thành phải báo cáo tiến độ tiêm phòng hàng tuần về Chi cục Thú y tỉnh, riêng cúm gia cầm phải báo cáo hàng ngày./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=450498


Tin khác