Giám đốc một công ty xuất khẩu cà phê ở Daklak vẫn chưa hết “bức bối”, khi 100 héc ta cà phê mà công ty ông bỏ vốn đầu tư cho nông dân đã bị các công ty nước ngoài vào mua hết...Câu chuyện tranh mua cà phê xuất khẩu đã “nóng” lên trong thời gian qua, nhưng để tìm lối ra cho ngành cà phê xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ đơn thuần là việc tranh mua.
Doanh nghiệp trong nước: thiệt đơn, thiệt kép
Theo ông Vân Thành Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Daklak (Inexim Daklak), “việc doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh thu mua với doanh nghiệp trong nước là chuyện bình thường”. Tuy nhiên, việc cạnh tranh trong thu mua có thật sự bình đẳng hay không là vấn đề cần phải xem xét lại.
Ngay từ đầu vụ, Công ty Inexim Daklak đã đầu tư cho 100 hộ nông dân ở xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Daklak với diện tích trên 100 héc ta cà phê. Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư giống cà phê, ứng tiền mua phân bón, xăng dầu cho việc tưới tiêu. Đến mùa thu hoạch, sản lượng cà phê dự kiến công ty sẽ mua ở xã Cư M’gar là 300 tấn. Nhưng công ty không mua được đến 50% lượng cà phê dự kiến này, vì các công ty nước ngoài đã mua trước. “Thử hỏi việc tranh mua của các công ty nước ngoài như vậy có lành mạnh và bình đẳng không?”, ông Huy bức xúc nói. Nếu doanh nghiệp nước ngoài chịu đầu tư cho nông dân và toàn quyền thu mua trên những diện tích mà họ đầu tư, hay mua cà phê trôi nổi trên thị trường là điều bình thường. Đằng này lại khác.
Một khó khăn khác đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê là mức lãi suất vay ngân hàng quá cao. Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex, hiện mức lãi suất mà các ngân hàng cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê vay tiền đồng đã lên đến 18-20%/năm. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài vay đô la với mức lãi suất chỉ 5,5%/năm và với vốn vay rẻ như vậy, việc họ mua cà phê của nông dân với giá cao hơn cũng là điều dễ hiểu. Doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với các thương nhân nước ngoài do lãi vay quá cao.
Để xuất khẩu được 2.200 đô la Mỹ/tấn cà phê, Inexim Daklak đã từng mua cà phê với giá 48.000 đồng/ki lô gam. “Công ty tôi không ngại canh tranh, bởi quy luật thị trường phải cạnh tranh. Họ mua cho nông dân với giá thế nào, tôi mua bằng mức giá đó. Nhưng cạnh tranh phải lành mạnh...”, vị Tổng giám đốc Inexim Daklak nói. Những doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước phải được hưởng mức lãi suất cho vay bằng các đồng nghiệp nước ngoài.
Cuộc tranh cãi về việc tranh mua vẫn chưa có hồi kết, dù Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê trong dân là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Thông tư số 09/2007/TT-BTM của Bộ Công Thương nêu rõ: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu”. Còn điểm c, khoản 2.1 của thông tư này quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu”.
Trong khi đó, các thương nhân nước ngoài vẫn đẩy mạnh mua cà phê trực tiếp của nông dân.
Hệ lụy nào?
Nhiều công ty nước ngoài mạnh tay mua cà phê là tín hiệu đáng mừng cho nông dân trồng cà phê trong nước. Nhưng nhiều cảnh báo đã được đưa ra, như thời gian đầu, giá mua cà phê sẽ được đẩy lên cao, nhưng khi đã nắm được toàn bộ vùng nguyên liệu, giá chắc chắn sẽ giảm xuống. Vì khi đó các doanh nghiệp này đã có vị thế độc quyền mua. “Doanh nghiệp trong nước với tiềm lực tài chính có hạn, không thể cạnh tranh với những công ty nước ngoài sẽ dẫn đến phá sản là điều tất yếu”, ông Đỗ Hà Nam âu lo.
Lời cảnh báo này có lẽ cũng không thừa, nếu các doanh nghiệp ngành cà phê, ca cao vẫn còn nhớ vào năm 2008, một công ty nước ngoài chuyên thu mua ca cao Việt Nam với chất lượng kém, độ tạp chất lên đến 4%, trong khi tiêu chuẩn xuất khẩu hạt ca cao chỉ cho phép tối đa 1%. Với việc cho phép 4% tạp chất, công ty đã khuyến khích nông dân và các nhà thu mua trung gian trộn thêm tạp chất vào ca cao trước khi bán. Thời điểm đó, công ty nước ngoài này bị lên án cố tình phá hoại ngành ca cao Việt Nam. Doanh nghiệp buộc phải nâng chất lượng thu mua ca cao của Việt Nam lên.
Nhiều chuyên gia trong ngành phân tích, công ty nước ngoài nói trên có thể muốn độc quyền thu mua ca cao ở Việt Nam, bằng cách tung tiền ra mua toàn bộ sản lượng ca cao xuất khẩu của Việt Nam với những tiêu chuẩn thu mua từ nông dân dễ dàng hơn. “Câu chuyện này đã cho doanh nghiệp trong nước một bài học nhãn tiền về việc tự nâng cấp và cải tiến năng lực thu mua của mình để có thể tồn tại và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài”, một chuyên gia trong ngành nông sản phân tích.
Với việc Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường thu mua hàng nông sản theo lộ trình thực hiện WTO, đây là cơ hội sàng lọc những doanh nghiệp thực sự có năng lực dựa trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng với nhau.
Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Ông Vân Thành Huy mong Nhà nước tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. “Nông dân bán được cà phê với giá cao là điều đáng mừng, nhưng chính sách quản lý vĩ mô đã gây bất bình đẳng trong việc thu mua”, ông Huy nói. Chính sách mua tạm trữ cà phê cho nông dân mà Nhà nước đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng trong quá trình thực hiện, chính sách này không hỗ trợ đúng đối tượng mà Nhà nước hướng tới.
Cụ thể, khi Chính phủ có quyết định chính thức hỗ trợ vốn mua tạm trữ cà phê cho nông dân vụ cà phê trước, quyết định thu mua tạm trữ chỉ có hiệu lực trong vòng một tháng rưỡi. Nhưng hết một tháng, nhiều doanh nghiệp vẫn không có tiền để mua tạm trữ do ngân hàng chưa giải ngân. Khi doanh nghiệp trong nước nhận được tiền, các thương nhân nước ngoài đã mua hơn 70% tổng lượng hàng tạm trữ khi giá còn thấp. “Rõ ràng, cả doanh nghiệp và nông dân đều không hưởng lợi được từ sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Huy nói.
Mở cửa thị trường, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, cần những chính sách hỗ trợ đồng bộ kịp thời của Nhà nước giúp doanh nghiệp tồn tại và bớt đi những nỗi lo.
AGROINFO - Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Nguồn:http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/dautu/49439/Tranh-mua-ca-phe-va-nhung-noi-lo.html