Giúp điều vượt khó

18/03/2011

Năm 2010, cả nước xuất khẩu được 198 ngàn tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu 1,135 tỷ USD (tăng 12% so 2009), trong đó tăng 11,8% về lượng và tăng 34% về giá so năm 2009. Như thế, năm 2010 được xem là năm đầu tiên trong lịch sử ngành điều gia nhập nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chỉ sau 11 tháng đầu năm 2010.

Về thị trường xuất khẩu, năm 2010 ngành điều xuất khẩu đến trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ (chiếm 32,67% thị phần), Trung Quốc (16,08%), Hà Lan (13,07%), Úc (7,62%). Năm 2010, cả nước có trên 273 DN tham gia xuất khẩu điều (nhiều nhất từ trước đến nay), trong đó có các DN đạt kim ngạch xuất khẩu lớn là Donafoods, Olam Vietnam, Pygemaco, Rals, Long Sơn, Intimex, Lafooco, Hoàng Sơn 1, Tanimex-LA, Thảo Nguyên… Đặc biệt trong năm, các DN đã thu mua được hết lượng điều trong dân, đồng thời còn nhập thêm khoảng 404,06 ngàn tấn (trị giá khoảng 400 triệu USD), chiếm 54,3% tổng sản lượng điều thô  đưa vào chế biến.
 
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2011, nếu không có biến động về thời tiết thì sản lượng thu hoạch điều niên vụ 2011 sẽ đạt khá. Tuy nhiên, năm 2011 cũng là năm khó khăn cho DN trong thu mua nguyên liệu. Vì theo kế hoạch, để có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến, các DN sẽ tập trung thu mua hết điều trong nước (khoảng 350-380 ngàn tấn theo giá thời điểm) và nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài khoảng 450 ngàn tấn điều thô (70% từ Tây Phi, 10% từ Đông Phi, 5% khu vực ASEAN…). Theo tính toán, ngành điều sẽ cần khoảng 10 ngàn tỷ đồng để thu mua 100% sản lượng điều thô trong nước, hơn 11 ngàn tỷ đồng để nhập nguyên liệu. Ngoài ra ngành cũng cần khoảng 3.000 tỷ đồng vốn dài hạn để đầu tư thiết bị, máy móc. Như thế, tổng vốn cho ngành điều trong năm 2011 sẽ khoảng 24 ngàn tỷ đồng.
 
Nhưng, như từ trước đến nay, hầu hết DN trong ngành luôn thiếu vốn trong thu mua để chế biến và năm 2011 áp lực này sẽ tăng do việc thắt chặt tài chính và lãi suất vẫn ở mức rất cao. Vì thế trong cuộc họp tổng kết ngành năm 2010 và giới thiệu kế hoạch năm 2011 của Vinacas tại TP.HCM tuần qua, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas đã đề nghị, năm 2011 DN trong ngành mong được ưu tiên vay 100% vốn để đáp ứng nhu cầu thu mua khi vào vụ, ưu tiên 100% nguồn ngoại tệ phục vụ kịp thời cho nhu cầu nhập khẩu. Theo ông Học, ngân hàng nên áp dụng hình thức cho vay tín chấp, thế chấp theo hạn mức tín dụng bằng 90% giá trị kho hàng hay giá trị tài sản DN; hoặc tăng tỷ lệ áp dụng hình thức cho vay tín chấp dựa trên phương án sản xuất - kinh doanh của DN chế biến, xuất nhập khẩu. Ông Học cũng đề nghị được áp dụng mức ưu đãi lãi suất tối đa cho DN ngành điều có nhu cầu vay xuất khẩu năm 2011 là giảm trừ lãi suất 5%/năm đối với vay VND và giảm 3%/năm đối với vay USD cho DN xuất nhập khẩu điều.
 
Liên quan đến việc nhập khẩu điều, theo ông Học nên giảm thuế nhập khẩu điều thô xuống còn 0% để khuyến khích DN nhập điều về chế biến xuất khẩu. Vì thực tế, các quốc gia cạnh tranh mạnh nhất với Việt Nam về thị trường nguyên liệu là Ấn Độ và Brazil 10 năm qua đã không áp dụng thuế nhập khẩu điều thô, nên hầu hết nguyên liệu đầu vụ, giá tốt đều được nhập về hai thị trường trên. Việc nhập điều thô cũng sẽ không ảnh hưởng đến chính sách hạn chế nhập siêu của Chính phủ, không ảnh hưởng đến thị trường điều thô trong nước và đời sống người trồng điều, bởi trong nước chỉ cung ứng dưới 50% nhu cầu (được mua hết với giá thời điểm), trên 50% còn lại phải nhập khẩu; trong khi 93% sau khi chế biến đều xuất khẩu.
 
Với thị trường tiêu thụ, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững và tìm thị trường mới trong xuất khẩu, theo Vinacas, năm 2011, DN chế biến điều nên tập trung khai thác thêm thị trường trong nước. Vì hiện mạng lưới bán lẻ trong nước đang ngày càng mở rộng, cùng với cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nên tiềm năng thị trường trong nước là rất lớn. Để tăng thị trường trong nước, DN nên tăng XTTM, tăng tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng hệ thống bán lẻ tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Nhằm đối phó với những khó khăn như thiếu lao động, chi phí đầu vào tăng, thiếu điện sản xuất (các DN ở vùng sâu, vùng xa)… DN cần đẩy mạnh đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, giảm giá thành, nhất là luôn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất thân thiện với môi trường.
 
Để đạt được kế hoạch của ngành trong năm 2011 là sẽ xuất khẩu 190 ngàn tấn điều nhân các loại với kim ngạch 1,5 tỷ USD, trong đó 5% điều có hàm lượng giá trị gia tăng cao (điều rang muối, bánh kẹo điều…) và 7% tiêu thụ trong nước, DN trong ngành đang chờ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tài chính như theo tính toán trên để có đủ nguyên liệu cho hoạt động./.
 
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Tin khác