Làm ruộng thời xăng dầu tăng giá: Máy cày bỏ xó, trâu bò “lên ngôi”

18/03/2011

Những ngày này trên những cánh đồng mía, sắn ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên) vắng bóng những chiếc máy cày, thay vào đó là cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau.

Chỉ máy khốn đốn
Hơn nửa tháng qua, 3 chiếc máy cày đại, trị giá gần 400 triệu đồng của gia đình chị Nguyễn Thị Thuỷ ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa gần như không hoạt động. Chị nói trong phiền muộn: "Để phục vụ nhu cầu cày cấy của bà con, trước khi bước vào vụ sản xuất 2010-2011, tôi bỏ gần một trăm triệu đồng đại tu 3 chiếc máy cày, với hy vọng lấy lại tiền chi phí và kiếm lời từ việc cày thuê.
Giá dầu bất ngờ tăng đột biến, tiền cày cũng phải tăng theo, vì vậy lượng người thuê cày máy cũng giảm hẳn”. Tương tự, chiếc máy cày trung của gia đình anh Lê Quang Công ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa vừa mới mua trong năm 2010, trị giá gần 100 triệu đồng cũng chỉ để cày ruộng mía nhà. Anh Công cho hay: "Với giá xăng dầu như hiện nay, nếu không tăng tiền cày thì lỗ là cái chắc, nhưng nếu tăng cho phù hợp thì chẳng mấy người thuê".
Theo các chủ máy cày, trên diện tích 1ha, nếu là máy cày đại phải mất ít nhất 16 lít dầu, còn máy cày trung cũng phải ngốn hết 10 lít. Giá dầu tăng, buộc phải tăng tiền cày từ 650.000 đồng/ha lên 850.000 đồng/ha. Nếu cày chảo 3 phá mía gốc, nông dân phải trả 1,6 triệu đồng/ha. Không những các chủ máy cày tư nhân lâm vào cảnh khó khăn, mà những nhóm hộ gia đình được hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất từ Chương trình 135 có khả năng cũng phải chịu ảnh hưởng.
Chuyển sang cày bằng bò
Tiền thuê cày máy cao, nhiều nông dân miền núi chuyển sang cày bò. Nhà nào không có bò cày thì phải oằn mình cuốc đất, hoặc vần đổi công chấp nhận cực khổ, chậm thời vụ và lỡ cơ hội thời tiết thuận lợi… Anh Phạm Văn Trung ở thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa buồn bã nói: "Tôi trồng được 3ha mía, mấy ngày trước bị thiêu rụi hết 7 sào mà không rõ nguyên nhân, nay tranh thủ trời mưa cày đất trồng lại, nhưng không dám thuê máy cày vì tiền quá cao, đành phải dùng bò nuôi để cày, giảm chi phí".
Ở huyện Sông Hinh và Đồng Xuân, người trồng sắn cũng phải tận dụng tối đa những gì có thể để giảm chi phí thu hoạch. Anh Nguyễn Ngọc Cảnh, ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh cho biết: "Trước thời điểm giá xăng dầu tăng, cước vận chuyển về Nhà máy Sắn Sông Hinh chỉ có 600.000 đồng/chuyến, nay tăng thêm từ 100-200 nghìn đồng. Tôi phải tự thu gom sắn dồn vào bao tải, rồi bốc lên xe cho đỡ tốn công, bù vào khoản chi phí vận chuyển".
Ông KPá Y KLô - Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa chia sẻ: "Tiền dầu cao, tỷ lệ trừ tạp chất quá lớn, các nhà xe đòi tiền "bo" mỗi chuyến từ 400-500 nghìn đồng. Trong khi đó xe vận chuyển lại không đáp ứng tiến độ thu hoạch mía. Thông thường, thay vì 2 ngày/chuyến, thì hiện nay kéo dài từ 4-5 ngày/chuyến, có khi cả tuần chẳng có chuyến nào, dẫn đến lượng mía tồn đọng quá lớn. Nông dân phải gánh hết".
Mía chín rộ phơi đầy đường, thậm chí cả trong vườn nhà, "nướng" ngoài đồng, trong khi đó cước vận chuyển lại quá cao, nông dân "dài cổ" chờ xe. Thời tiết nắng nóng, nhiều người bày tỏ lo ngại mía héo, dễ xảy ra cháy gây thiệt hại và làm chậm tiến độ gieo trồng vụ sau.
“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sản xuất thời xăng dầu tăng giá đối với hộ nghèo thuộc các xã miền núi đặc biệt khó khăn.” -  Ông KPá Y KLô - Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa.

AGROINFO - Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://www.danviet.vn/35913p1c34/may-cay-bo-xo-trau-bo-len-ngoi.htm


Tin khác