Khoảng trống thị trường cà phê trong nước

18/03/2011

Thế giới biết tới Việt Nam như nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Trong xu hướng cà phê nhân lên giá trong vài năm trở lại, các doanh nghiệp mải mê với xuất khẩu mà để quên thị trường nội địa sau lưng.

Vicofa đặt mục tiêu tăng tỷ trọng tiêu dùng trong nước lên 10-15% trong thời gian tới. Ảnh chụp cà phê nhân xuất khẩu tại công ty cà phê Thắng Lợi, Đắk Lắk.
Tea-break hay Coffee-break? (*)
Giáo sư người Anh chuyên về hoạch định chiến lược phát triển, ông Tom Cannon làm nhiều người dự hội thảo về phát triển cà phê bền vững ở TP Buôn Ma Thuột phải giật mình suy nghĩ sau lời nhận xét của ông.
“Tôi hiện đang ở Buôn Ma Thuột, nơi được nhiều người xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê. Thế nhưng thứ tôi được phục vụ lại chính là trà, không phải là cà phê, trong giờ nghỉ mà các bạn gọi là tea-break, không phải là coffee – break”, ông nói.
Nhận xét của ông Cannon về sự lép vế của cà phê trong tiêu dùng ở Việt Nam trước đó cũng được giám đốc điều hành của tổ chức cà phê quốc tế (ICO), ông José Sette đưa ra nhận xét tương tự.
“Cùng với Việt Nam, Brazil và Indonesia đang chiếm vị trí thứ 1 và thứ 3 về sản lượng cũng như xuất khẩu cà phê, nhưng tiêu dùng nội địa lại chiếm tỷ trọng cao hơn Việt Nam rất nhiều. Không thể có phát triển bền vững nếu các bạn chỉ chú trọng đến xuất khẩu”, ông nhấn mạnh. Theo ông Sette, những xáo trộn bất thường trên thị trường hoàn toàn có thể xảy ra và một mạng lưới kinh doanh nội địa tốt sẽ cứu doanh nghiệp khỏi cảnh sụp đổ trong tình huống đó.
Theo thống kê của ICO, tỷ trọng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa của Việt Nam trong năm qua chỉ chiếm chưa đến 1/10 tổng sản lượng, tương đương 1,6 triệu bao (loại 60kg).
Trong nước, theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), phần lớn cà phê xuất khẩu hiện nay là cà phê nhân, tức cà phê tươi sau khi hái được chế biến đơn giản.
Các doanh nghiệp mua cà phê nhân và bán lại cho các tập đoàn kinh doanh nông sản hoặc thực phẩm lớn trên thế giới, nơi mà cà phê nhân sẽ được chế biến, đưa thêm giá trị gia tăng vào sản phẩm thông qua chế biến bán thành phẩm hay thành phẩm như cà phê hoà tan, mang lại lợi nhuận cao hơn.
Trong khi đó, ở lĩnh vực chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan có giá trị gia tăng cao, cả nước hiện nay chỉ có 4 doanh nghiệp chế biến cà phê bột vừa phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu gồm Vinacafe Biên Hoà, Trung Nguyên, Nestlé và công ty Olam với công suất chế biến mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn, tương đương 30.000 tấn cà phê nhân, tức chỉ chiếm gần 3% tổng sản lượng cà phê nhân.
Loay hoay với đầu ra
Nhiều chuyên gia nước ngoài nhận xét, thị trường nội địa với gần 90 triệu dân, mà phần đông là dân số trẻ là một lợi thế rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Nhưng cho đến nay, thị trường nội địa vẫn còn là mảnh đất mà ít doanh nghiệp có thể đặt lên đó một nền móng vững chắc.
Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự kém sôi động của tiêu dùng cà phê nội địa, từ văn hoá uống trà còn đọng lại trong số đông người tiêu dùng tuổi trung niên trở lên, cho đến kỹ năng kinh doanh, xây dựng chiến lược, thương hiệu… của nhiều doanh nghiệp trong nước còn yếu kém. Các doanh nghiệp từ lâu đã quen mua bán nông sản thô, tham gia các sàn giao dịch quốc tế, chỉ trông đợi những lúc thị trường biến động, “có sóng” để kiếm lợi nhuận.
Giám đốc một doanh nghiệp trong nhóm các nhà chế biến xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam năm qua cho biết trước mắt các doanh nghiệp nội địa tập trung vào việc mở rộng thị trường, bán cà phê nhân trực tiếp cho các nhà sản xuất cà phê rang xay ở Trung Quốc, Mỹ, Nga và một số nước châu Á thay vì bán qua trung gian là các công ty thương mại như hiện nay. Các công ty này sau đó sẽ trộn thêm cà phê chè (Arabica) và pha tẩm theo khẩu vị để phục vụ cho tầng lớp tiêu dùng trẻ tiêu thụ cà phê ngày càng nhiều.
Còn nhắc đến thị trường nội địa, “chúng tôi vẫn phải chờ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh lên!”, ông này nói.
Theo ý kiến chuyên gia, đầu tư sản xuất cà phê hòa tan nằm trong khả năng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam hiện nay như Tổng công ty cà phê, công ty Intimex, tập đoàn Thái Hòa... Theo Vicofa, nhà máy có dây chuyền chế biến cà phê hoà tan hiện đại công suất trung bình 4.000 tấn/năm cần vốn đầu tư khoảng 45 triệu đô la Mỹ.
Thế nhưng, nắm trong tay nguyên liệu và thiết bị không quyết định được thành công trong kinh doanh. Thất bại trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm là bài học trong quá khứ của một số doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Việt Thắng, giám đốc kinh doanh công ty Cafe Outspan thuộc tập đoàn Olam cho biết thời gian qua đã có một số công ty cà phê trong nước tìm đến hỏi mua cà phê bột nguyên chất để về trộn thêm một số thành phần khác rồi đóng gói, nhãn mác, đưa ra thị trường, nhưng sau đó lại ngưng không mua tiếp vì tiêu thụ gặp khó.
“Nhu cầu trong nước đã có và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Nhưng vướng mắc lại nằm ở khâu xây dựng thương hiệu, xây dựng mạng lưới kinh doanh, vì đòi hỏi đầu tư tốn kém, hiệu quả thì không thể thấy trong ngắn hạn, lại còn phải cạnh tranh không cân sức với nhiều tên tuổi nước ngoài. Trong khi đó, ở ngoài xã hội, người từ tuổi trung niên trở lên vẫn quen uống trà và người tiêu dùng trẻ thường chuộng các thương hiệu nước ngoài”, ông nói.
AGROINFO – Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin khác