Đẩy mạnh các giải pháp bình ổn giá lúa gạo

23/03/2011

Giá sàn xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay liên tục được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều chỉnh. Riêng trong tháng 3/2011, giá sàn xuất khẩu gạo đã có 2 lần được điều chỉnh vào ngày 9/3, ngày 17/3. Việc giá lúa lên xuống thất thường đang khiến nhiều người dân lo lắng bởi giá lúa thấp khó có tích lũy để tái đầu tư.

Sau lần điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo vào ngày 9/3, ngày 17/3 vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại tiếp tục hạ giá sàn đối với các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, giá sàn xuất khẩu đối với gạo 5% tấm là 480 USD/tấn, còn gạo 25% tấm là 460 USD/tấn, cùng giảm 20 USD/tấn. Giá mới này sẽ chính thức được áp dụng từ 20/3.
Như vậy, từ đầu năm 2011 đến nay, VFA đã có 6 lần điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo và điều chỉnh giảm giá. Duy nhất là vào ngày 21/2, giá xuất khẩu gạo được điều chỉnh tăng. Theo một số chuyên gia việc điều chỉnh này là để hỗ trợ xuất khẩu. Bởi lẽ hiện nay, Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, theo ước tính lượng gạo hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu sẽ ở mức 3 triệu tấn, cộng với hơn 1 triệu tấn tồn kho từ năm ngoái chuyển sang cần tiêu thụ, trong khi sức mua trên thị trường thế giới không cao.
Hiện giá lúa gạp xuất khẩu đang ở mức thấp loại 5% tấm ở mức 450-460USD/tấn, 25% tấm ở mức 410-430USD/tấn. Các chuyên gia dự báo, từ nay cho tới hết tháng 3, thậm chí sang tháng 4 nhu cầu gạo Việt Nam của thị trường còn tiếp tục trầm lắng.
Mặc dù giá xuất khẩu gạo bấp bênh, song theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam, dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 3/2011 khoảng 650.000 tấn, đưa xuất khẩu cả quý I/2011 đạt mức cao nhất kể từ khi Việt Nam xuất khẩu gạo. Cụ thể, đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tính đến ngày 28/02/2011 là 2,3 triệu tấn, tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo xuất khẩu trong quý II/2011 sẽ đạt thấp do số lượng hợp đồng còn lại chờ giao hàng từ tháng 4/2011 trở đi còn ít trong khi tình hình thị trường thế giới đang bất ổn và nhu cầu yếu đi.
Tại thị trường trong nước từ đầu tháng 3.2011, giá lúa giảm mạnh từ 5.700-5.900đ/kg xuống 5.300 - 5.400đ/kg đối với loại lúa thường. Loại lúa dài giảm mạnh hơn, từ 6.200đ/kg xuống 5.500đ/kg.
Trước thực tế này theo TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng đây là thời điểm cần có sự can thiệp của Nhà nước để ổn định giá lúa gạo trong nước. Ông Bảnh cho biết: Giá lúa giảm vì nguồn cung quá lớn trong khi doanh nghiệp lừng chừng trong mua tạm trữ. Vụ đông xuân năm nay ĐBSCL tiếp tục trúng mùa. Với diện tích trên 1,54 triệu ha, năng suất trung bình 6,5-6,6 tấn/ha thì sản lượng lúa toàn vùng đạt trên 10 triệu tấn, tương đương 6,5 triệu tấn gạo các loại.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc thu mua lúa tạm trữ trong dân, góp phần bình ổn giá lúa, cũng theo TS Bảnh biện pháp quan trọng nhất vẫn là triển khai mua tạm trữ để giảm nguồn lúa gạo trong dân trước. Thực tế những năm qua cho thấy mua tạm trữ là chủ trương đúng.
Cùng với đó, cần có sự chỉ đạo sâu sát của các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp mua tạm trữ. Phải có quy định cụ thể từng thời điểm doanh nghiệp phải mua. Ngoài ra, cần phải tăng lượng mua tạm trữ, có thể nâng mức mua tạm trữ lên 4 triệu tấn lúa (2 triệu tấn gạo) tức khoảng 60% tổng lượng lúa gạo hàng hóa của vụ đông xuân, như thế sẽ điều hòa được thị trường, giá cả.
Cùng với các biện pháp trên, Nhà nước cũng nên có chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Có sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn mua tạm trữ, đẩy mạnh tiêu thụ và từ đó sẽ hỗ trợ giá lúa gạo trong nước tăng cao. Song song với đó, Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ khai thông thị trường xuất khẩu gạo, đưa thông tin đầy đủ hơn nữa về giá cả và thị trường xuất khẩu đến với doanh nghiệp và nông dân.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=451296


Tin khác