|
Đồng chí Cao Viết Đức |
Xuân Viên là một xã miền núi huyện Nghi Xuân. Xã nằm cách thị trấn Nghi Xuân 3km về phía Tây – Nam và cách thành phố Vinh - Nghệ An 5km về phía Nam. Trên địa bàn của xã có ba tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ đi qua. Cả ba tuyến đường trên tạo điều kiện khá thuận lợi cho việc giao lưu, thông thương hàng hóa của nhân dân trong xã, cũng như hàng hóa dịch vụ từ nơi khác đến. Dân cư của Xuân Viên có hơn 1000 hộ với hơn 4000 khẩu, nhưng diện tích tự nhiên của xã lại có tới 2124 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 1000 ha, đất chuyên trồng lúa 256 ha, đất màu 255 ha, đất chuyên màu 77,2 ha, đất trồng cây lâu năm 166,5 ha, đất lâm nghiệp 266,7 ha. Ngoài ra, Xuân Viên còn có 1000 ha đất đồi núi, trong đó có rừng phòng hộ 216,5 ha, rừng sản xuất 30 ha, đất rừng phòng hộ tự nhiên và đất trống, đồi trọc.
Cùng với đất sản xuất lúa, hoa màu, đồi rừng, Xuân Viên có nguồn nước nuôi trồng thủy sản 75 ha, hơn 100 ha núi đá, đồi trọc có thể khai thác đá làm vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng, nhiều vùng đất nguyên liệu có thể khai thác sản xuất gạch ngói. Ở vào địa thế đất rộng, tài nguyên phong phú, Xuân Viên là một xã có thế mạnh về nhiều mặt trong lĩnh vực kinh tế nhưng chưa được khai thác. Trong nhiều năm liền Xuân Viên vẫn là một xã có mức thu nhập vào loại thấp của huyện Nghi Xuân nói riêng và của cả Hà Tĩnh nói chung.
Đồng chí Cao Viết Đức, Ủy viên Ban Chấp hành huyện ủy Nghi Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên trăn trở: Một xã như xã Xuân Viên không phải nơi nào cũng có, đáng lẽ chúng tôi phải phát huy những thế mạnh của mình đưa dân lên giàu có từ lâu rồi mới đúng. Vậy mà xã chúng tôi vẫn là xã nghèo. Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh và các chỉ thị, Nghị Quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn Đảng bộ chúng tôi xây dựng chương trình hành động, quyết tâm đưa mọi mặt của Xuân Viên lên một bước tiến mới.
Bước đầu xây dựng nông thôn mới tại xã Xuân Viên
Xã Xuân Viên đang triển khai một số giải pháp bước đầu xây dựng nông thôn mới mà trước mắt tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng.
Bước đi đầu tiên là công tác quy hoạch, trong đó, xã thực hiện công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2 (hoàn thành vào năm 2010) và tiếp tục vận động nhân dân tự chuyển đổi, từng bước tích tụ ruộng đất để hình thành các mô hình trang trại, gia trại.
Xuân Viên tiến hành lập các quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch bố trí các loại cây con giống chủ lực có năng suất, chất lượng cao phù hợp thổ nhưỡng theo hướng sản xuất hàng hóa: Xây dựng 2 vùng sản xuất chuyên canh lúa 220 ha tại xứ Nam Viên 140 ha và tại khu vực nam Nhà Chàng xuống giáp Xuân Mỹ 80 ha; Xây dựng vùng chuyên canh lạc 201 ha tại các thôn; Xây dựng vùng trồng rau chất lượng cao, sản xuất rau an toàn 10 đến 20 ha tại Thôn 2, Thôn 3, Thôn 4, cung cấp cho thị trường Thị trấn Xuân An, thị trấn Nghi Xuân và thành phố Vinh và khu công nghiệp Gia Lách; Điều chỉnh và giảm diện tích gieo trồng lúa từ 450 ha xuống còn 370 ha để đảm bảo tính ăn chắc. Cụ thể, điều chỉnh giảm: Lúa đông xuân giảm khoảng 20 ha do chuyển đất sang khu công nghiệp (từ đồng Vụng đến đồng Sương) 20 ha sang trồng màu ở khu vực Nhà Lương, khu vực Ngãi (Nam Viên) và chuyển 110 ha lúa mùa sang khoai đông và các loại cây vụ đông khác ....
Về cơ cấu giống, xã tiếp tục cho du nhập các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao như: Lúa B6, hương thơm..., lạc L23, L14 và các loại giống mới có nhiều ưu thế khác... về thay thế các loại giống sử dụng lâu ngày đã bị thoái hóa.
Về cơ cấu mùa vụ, lãnh đạo xã tăng cường chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè thu từ 60 đến 90ha/năm tại vùng Nam Viên, cơ cấu các loại giống ngắn ngày và chỉ đạo gieo trồng kịp thời vụ để thu hoạch trước mùa mưa bão; tăng cường chỉ đạo sản xuất các loại cây màu hè thu, khoai đông, ngô thu đông để nâng cao thu nhập. Đi liền với các việc làm trên là: Phối hợp với Trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật huyện, trường Trung học NN & PTNT Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn ngày về sản xuất nông nghiệp cho nông dân; Xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm để tuyên truyền học tập và nhân rộng; Nâng cấp các công trình thủy lợi để điều tiết đủ nước tưới cho cây trồng; Thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật;Tăng cường đưa cơ giới vào sản xuất như:các loại máy cày, bừa, phay đất, phấn đấu đến năm 2015 vùng Nam Viên có hơn 80%, vùng Bắc Viên hơn 50% diện tích đất sản xuất làm bằng máy; Áp dụng công nghệ đưa máy sạ hàng vào gieo hạt và tăng số lượng máy gặt động cơ vào thu hoạch để tăng năng suất và từng bước rút bớt lao động khỏi lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với cây cảnh, cây ăn quả, xã xây dựng đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chỉnh trang cải tạo vườn ở khu dân cư, cải tạo vườn tạp của các hộ gia đình vừa đảm bảo khuôn viên vườn hộ có cảnh quan môi trường sinh cảnh đẹp, vừa phát triển kinh tế có hiệu quả. Từ nay đến năm 2015 xã phấn đấu cải tạo 300 vườn; bố trí trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây hoa, cây cảnh...
Về phát triển kinh tế trang trại: tăng số lượng từ 3 trang trại lên 10 trang trại quy mô từ 5 ha trở lên tại vùng Nam Viên và xung quanh núi Vực theo mô hình trang trại sản xuất tổng hợp: chăn nuôi; trồng cây ăn quả và trồng rừng.
Về diện tích đất rừng: tiếp tục khuyến khích các hộ tham gia dự án trồng rừng 661 để cải tạo môi trường và nâng cao thu nhập từ rừng; Tập trung quản lý, bảo vệ tốt rừng hiện có, tiến hành cho mượn đất trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu kết hợp khai thác cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái tại đập Đồng Trày và núi Vực; Tìm đầu mối liên doanh xây dựng các vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm từ rừng.
Về chăn nuôi: quy hoạch và xây dựng vùng chăn nuôi lợn tập trung tại thôn 8, thôn 10, diện tích bình quân mỗi vùng tối thiểu 10 ha đến 30 ha có kết cấu hạ tầng đảm bảo; Từng bước hạn chế mô hình chăn nuôi lợn đàn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường; Tiếp tục đầu tư cho phát triển chăn nuôi, trong đó tập trung cao nhất cho phát triển đàn bò Lai Sin chất lượng cao; Xây dựng mô hình nuôi bò tập trung tại khu chăn nuôi tập trung và tại các vườn hộ Nam Viên có diện tích vườn lớn, phấn đấu bình quân mức tăng tổng đàn trên 5%/năm, phấn đấu đạt 2100 con vào năm 2015; Có chính sách hỗ trợ chuyển giao tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ thú y để khuyến khích các vùng chăn nuôi tập trung; Quy hoạch và cải tạo một số vùng ruộng trũng để chuyển đổi mô hình lúa – cá - vịt, cá - vịt, tận dụng tối đa diện tích mặt nước để phát triển thủy sản nước ngọt.
Để hỗ trợ cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, xã chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mở rộng du lịch và thương mại dịch vụ, đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như thủy lợi, giao thông nội đồng, điện cho sản xuất, cải tạo đồng ruộng.
Sau khi đề án đã được phê duyệt, Ban quản lý xây dựng Nông thôn mới xã phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã tổ chức học tập quán triệt đến tận cán bộ, đảng viên về các nội dung của đề án, phân công các thành viên Ban chỉ đạo xuống tận các chi bộ triển khai quán triệt các nội dung của đề án. Các tổ chức đoàn thể tiến hành tổ chức quán triệt và giao nhiệm vụ cho các đoàn viên, hội viên của mình hiểu rõ nội dung đề án, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên trong tổ chức thực hiện. Các thôn xóm, tổ chức họp dân đưa công khai các nội dung đề án để thảo luận và bàn các giải pháp tổ chức thực hiện, lựa chọn những nội dung cần ưu tiên trước và các phương pháp huy động nguồn lực của nhân dân.
Đối với dự án xây dựng vùng thâm canh lúa chất lượng cao và thâm canh lạc, rau màu, Ban Khuyến nông xã sẽ xây dựng đề án, hoàn thành trong tháng 7 năm 2011. Đối với dự án cải tạo vườn, nâng cao thu nhập kinh tế, Ban nông nghiệp xã trực tiếp xây dựng, hoàn thành trong tháng 7 năm 2011. Xây dựng vùng trang trại chăn nuôi, Ban chăn nuôi thú y trực tiếp xây dựng đề án hoàn thành trước tháng 8 năm 2011. Xây dựng vùng trang trại cây ăn quả kết hợp phát triển lâm nghiệp Ban Nông nghiệp trực tiếp xây dựng hoàn thành trước tháng 8 năm 2011. Dự án xây dựng làng nghề, cán bộ khuyến nông kết hợp Ban Thường vụ Hội Nông dân xây dựng dự án trong tháng 10 năm 2011. Đề án củng cố kiện toàn nâng cao năng lực hoạt động của HTX, đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế hoàn thành trước tháng 10 năm 2011. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã chịu trách nhiệm hợp đồng các đơn vị tư vấn khảo sát lập dự án phấn đấu hoàn thành trong quý 2 năm 2011.
Để dự án xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống, Ban chấp hành Đảng ủy xã ra Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện các nội dung của Đề án, đồng thời phân công các ủy viên Ban chấp hành trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thôn xóm.
Hàng tuần, Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tổ chức hội nghị giao ban phản ánh tình hình về tiến độ thực hiện các nội dung đề án; hàng tháng tổ chức họp rút kinh nghiệm báo cáo Ban chỉ đạo huyện, tỉnh về kết quả tổ chức thực hiện, các vướng mắc và đề nghị giúp đỡ giải quyết. Xã tổ chức sơ kết công tác hàng quý và 6 tháng về tình hình tiến độ triển khai các nội dung đề án, những đơn vị triển khai tốt, có cách làm hay để nhân ra diện rộng, các tồn tại vướng mắc đề xuất cấp trên giúp đỡ; tổng kết công tác năm đánh giá kết quả thực hiện về nội dung từng công việc, mức độ hoàn thành, dự kiến công tác thời gian tới, kết quả giải ngân, rút ra các bài học kinh nghiệm, khen thưởng các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để việc triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả
Nhằm góp phần quan trọng giúp Xuân Viên thực hiện được đề án xây dựng nông thôn mới, từ thực tiễn xã Xuân Viên kiến nghị cấp trên giải quyết một số vấn đề:
Đối với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện cần thành lập tổ công tác theo dõi chỉ đạo giúp đỡ Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, phân công cán bộ chuyên môn giúp Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã về chuyên môn nghiệp vụ đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ xã.
Đối với các ngành cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp đỡ về xây dựng đề án, công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, làm vườn, trang trại. Sở Công thương giúp đỡ các chương trình khuyến nông, điện phục vụ sản xuất. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại giúp đỡ thành lập HTX tín dụng nhân dân, tạo điều kiện ưu tiên các nguồn vốn vay. Sở Tài nguyên & Môi trường giúp đỡ công tác đo đạc và các hệ thống quản lý sau chuyển đổi đất và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ưu tiên các nguồn lực đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho nông dân.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=451039