Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp FDI khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU

08/04/2011

Sáng 7/4, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức Hội thảo "Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- EU".

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp EU đang hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hóa ở Việt Nam cơ bản là sẽ cùng có lợi trong hiệp định này. Là những doanh nghiệp hiểu cả EU và Việt Nam, các doanh nghiệp EU cần phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để tìm ra điểm cân bằng mà hai bên có thể chấp nhận được. "Chúng tôi tin rằng đầu tư của EU sẽ tăng lên, do môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, và do khi đầu tư vào Việt Nam các doanh nghiệp EU không chỉ tiêu thụ hàng hóa trên thị trường Việt Nam mà có thể xuất khẩu vào một thị trường rộng lớn 3,5 tỷ người (EU và các nước có hiệp định Mậu dịch tự do với Việt Nam)", ông Tuyển cho biết.
 
Theo Giáo sư TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc lựa chọn đối tác để đàm phán và ký kết FTA song phương cần được đặt trên căn bản hiệu quả kinh tế- xã hội của hoạt động thương mại quốc tế trong trung hạn 2011-2015 và trong dài hạn 2011-2020. Ông Mại kiến nghị nên đề ra phương châm: chọn đúng đối tác và triển khai thận trọng, bởi vì từ nay đến năm 2015 phải đặt thương mại quốc tế, đàm phán, ký kết các FTA trong khuôn khổ của hội nhập quốc tế với khối lượng đồ sộ những công việc phải làm, mà hiện còn khá nhiều chính sách và thể chế cần được bổ sung và hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện cần được nâng cao chất lượng và hiệu quả.
 
Năm 2010, Việt Nam và EU cùng thống nhất sẽ tiến hành đàm phán về một hiệp định mậu dịch tự do. Đây là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai bên. EU là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào Châu Âu (chủ yếu là EU) từ 5,6 tỷ USD năm 2005 lên 15,4 tỷ USD năm 2010, tăng gần 3 lần. Từ năm 2008 đến năm 2010, EU luôn chiếm khoảng 18% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. EU cũng là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Đến đầu tháng 3/2011, EU có 1.079 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 16.158 tỷ USD./.
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác