Giá tăng, vốn vay bị cắt giảm
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Ngành thủy sản còn 3 khó khăn, đầu tiên là vấn đề vốn, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cho vay của các ngân hàng cao hơn thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Thứ 2, nguyên liệu đầu vào tăng rất cao. Thứ 3, đời sống công nhân lao động thủy sản, khi tất cả các mặt hàng đều lên giá, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chung ý kiến, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết, năm 2010 ngành phải nhập khẩu 50% nguyên liệu, sang năm khả năng nhập nguyên liệu sẽ nhiều hơn. Quý 2 là thời điểm thu mua, nhập khẩu nguyên liệu từ Châu Phi về dự trữ, chế biến nhưng hiện việc tiếp cận vốn ngân hàng hiện đang rất khó khăn. Các doanh nghiệp trong ngành cần khoảng 25 ngàn tỉ đồng, mới tự cân đối khoảng 5-6 ngàn tỉ đồng, còn lại chủ yếu vay ngân hàng. Trong quý 1, các doanh nghiệp chỉ tiếp cận được 10% trên tổng nhu cầu vốn hiện nay.
Trong các tháng trọng điểm 4, 5, 6, các doanh nghiệp cần một số vốn khoảng 12.000 tỉ đồng nhưng đến nay để tiếp cận với nguồn này rất khó vì lãi suất cao. “Để có 1 tấn nhân điều xuất khẩu, với lãi suất như hiện nay, tổng chi phí sẽ là 8.100 USD. Giá xuất khẩu điều là 7.700 USD/tấn. Doanh nghiệp sẽ lỗ 400 USD/tấn”, ông Học khẳng định.
Chưa tính chi phí xăng, dầu, lao động thì giá nguyên liệu tăng 1,8 lần, nếu 2010 các doanh nghiệp cần 100 tỉ đồng thì với giá hiện nay, họ cần 180 tỉ đồng. Tuy nhiên ngân hàng lại cắt giảm hạn mức cho vay. Với tình hình này đẩy DN ngành phải thu hẹp sản xuất lại.
Giải pháp nào cho các doanh nghiệp?
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị: Các ngân hàng ưu tiên giúp doanh nghiệp ngành điều giải ngân vốn để lưu thông nhập khẩu nguyên liệu, tránh tình trạng như năm 2010, Ấn Độ thu mua hết điều khi giá thấp, đến khi doanh nghiệp Việt Nam mua thì giá đã tăng cao. Bên cạnh đó, ngành điều cũng đề nghị giảm điều kiện thế chấp ngân hàng xuống 10-15% tài sản cố định, tùy uy tín doanh nghiệp. “Với mức thế chấp 30% như hiện nay thì doanh nghiệp không có vốn sản xuất. Đồng thời, chúng tôi mong mỏi sớm có cuộc họp xin Chính phủ điều chỉnh thuế xuất khẩu điều xuống 0%”,
Ông Trần Phú Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng cho biết: năm 2011 ngân hàng này dự dự kiến cho vay 30 nghìn đến 35 nghìn tỉ đồng. Đối tượng được tập trung cho vay là ngành thủy sản với 20%, ngoài ra là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, cà phê, rau quả... Riêng nuôi, chế biến cá tra, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay chiếm khoảng 40% đến 50% trong tổng doanh số cho vay. Tài sản thế chấp của các doanh nghiệp tối thiểu là 15% tổng vốn vay với các khách hàng lớn, uy tín. Nhưng nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được việc thu hồi vốn sẽ gây khó khăn cho ngân hàng. Qua đây ông Minh kiến nghị: “Các hiệp hội và Bộ Công thương cần hỗ trợ ngân hàng về thông tin để đảm bảo an toàn trong hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Phát triển hiện vẫn còn vốn và cho vay lãi suất ưu đãi 11,4% cho các doanh nghiệp có nhu cầu”.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Quan điểm xuyên suốt của NHNN là luôn tập trung cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ và yêu cầu các tổ chức cho vay với khung thấp nhất. Đầu năm 2011, NHNN thực hiện Nghị quyết 11, nhiều ý kiến cho rằng do kiềm chế lạm phát, giảm dư nợ, dẫn đến khó khăn hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn vay… là không có cơ sở. Việc giảm vốn vay lĩnh vực phi sản xuất sẽ chuyển sang cho vay cho sản xuất; NHNN chỉ đạo các ngân hàng các tỉnh nắm nhu cầu vốn vay trên địa bàn, xác đinh khó khăn vốn ở đâu và báo cáo kịp thời… Mặt khác, NHNN luôn có sự chỉ đạo đảm bảo vốn vay cho doanh nghiệp, nhưng vấn đề là các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay hay không? Nhiều nơi kêu khó khăn nhưng khi hỏi phương án kinh doanh lại không có, không đảm bảo thu hồi vốn của ngân hàng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: Vấn đề các hiệp hội nêu, chưa có giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm thế chấp... là bài toán cần giải cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, ngân hàng cho các doanh nghiệp cà phê, điều, thủy sản… vay vốn nếu không thận trọng thì việc doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu an toàn tín dụng, thế chấp... thì rủi ro đè lên ngân hàng. Thực hiện ý tưởng xem xét, bình chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hàng năm, Bộ Công thương vẫn tiếp tục tiến hành. Doanh nghiệp được bình chọn sẽ là địa chỉ tin cậy khi xem xét điều kiện vay vốn, thế chấp... Thứ trưởng Biên cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh phối hợp với các Ngân hàng thương mại, Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh/thành để tạo điều kiện vay vốn bớt ngặt nghèo hơn, nhưng đồng thời cũng phải áp dụng biện pháp giảm rủi ro cho các ngân hàng.
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản