“Các doanh nghiệp cần tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản để tận dụng tối đa cơ hội tăng giá, đừng để chu kỳ giảm giá xảy ra mới đẩy mạnh xuất khẩu”. Đó là khuyến cáo của Bộ Công thương tại cuộc họp về tình hình xuất nhập khẩu diễn ra hôm qua (5.4) tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, quý 1 năm nay, xuất khẩu nông sản đã tăng tới 58,8% giá trị, nhiều mặt hàng tăng giá rất mạnh như cao su tăng 70%, cà phê tăng hơn 100%... Giá cà phê tăng từ 20.000 đồng/kg đã vọt lên 47.000 – 50.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu xuất khẩu cũng tăng gần 60,9% trong khi tăng về lượng chỉ 11,7%. Kim ngạch xuất khẩu gạo cũng tăng kỷ lục trong 3 tháng đầu năm, với lượng xuất gần 1,7 triệu tấn/ 3 tháng với giá trị tới gần 850 triệu USD.
Có thể nói, thị trường thế giới đã hậu thuẫn lớn cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam khi giá cả liên tục tăng mạnh. Hiện chỉ còn Việt Nam và Ấn Độ là có đủ hạt tiêu bán ra theo nhu cầu thị trường. Sự phục hồi của thị trường xuất khẩu đã kéo theo giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm tăng chóng mặt. “Đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu quý 1 chính là yếu tố giá và nhờ vào nhóm hàng nông sản xuất khẩu. Việc tăng giá của nhóm hàng nông sản đã góp phần vào kim ngạch xuất khẩu thêm khoảng 3 tỷ USD, trong khi tăng về lượng chỉ đóng góp 1,5 tỷ USD” – ông Biên nói.
Tuy nhiên, làm sao để các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội tăng giá này để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đang là vấn đề khó. Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nói: Giá xuất khẩu thủy sản đang tăng khá mạnh (tôm tăng 41% giá trị, cá tra 19,4%, cá ngừ tăng 19%) song nguyên liệu thủy sản ngay từ 3 tháng đầu năm nay đã rất thiếu, kể cả tôm, cá tra, cá ngừ…
Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay với ngành thủy sản so với các nông sản khác đang ở “hạng bét”. Không chỉ khó vay vốn, lãi suất cao mà điều kiện tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Ngoài ra, các chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu tăng mạnh nên việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản tới đây khó mà tận dụng được cơ hội nếu không có giải pháp tháo gỡ.
Ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Hiệp hôi điều Việt Nam cũng nêu một thực tế là giá xuất khẩu các mặt hàng nồn sản đã và đang hình thành một mặt bằng mới, nên Nhà nước cần linh động vốn vay để doanh nghiệp tranh thủ nhập nguyên liệu về sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Ông Học kiến nghị ngân hàng ưu tiên giúp doanh nghiệp điều giải ngân 12.000 – 13.000 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu, tránh tình trạng như năm 2010, Ấn Độ mua hết điều, đến lúc doanh nghiệp Việt Nam có tiền mua thì giá đã lên cao và nguyên liệu có chất lượng kém. “Nếu có thể giải ngân hàng nên giảm điều kiện thế chấp từ 30% xuống còn 10 – 15% tùy theo tin cậy và uy tín của doanh nghiệp để doanh nghiệp có vốn sản xuất” – ông Học nói.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay số 82 ngày 06.04.2011