Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh: Nỗi lo treo chuồng, vỡ nợ

06/04/2011

Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nhiều chi phí đầu vào khác tăng giá vùn vụt đã làm cho người chăn nuôi lao đao. Theo nhiều chuyên gia ngành, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra biện pháp để bình ổn giá.

Thiệt hại dây chuyền
Từ đầu năm 2011 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã tăng nhiều đợt (mỗi đợt từ 50-150 đồng/kg) và mới đây đã tăng vọt thêm bình quân 200 đồng/kg. Tại các đại lý ở ĐBSCL, những loại TĂCN như Cargill, Higro, Con Cò, Newhope,… đã tăng trung bình 10.000-30.000 đồng/bao.
Trang trại nuôi gà của Công ty TNHH Đức Nghĩa đối mặt với thua lỗ khi chi phí đầu vào tăng.
 
Ông Lê Thành Vinh - xã Long Thạnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), ngao ngán: “Gia đình đầu tư gần 10 triệu đồng làm chuồng, nuôi 12 heo tơ, giờ buộc lòng bán xổ chuồng vì sợ lỗ! Giá thức ăn tăng quá mức”. Còn bà Huỳnh Tâm - Phú Lộc (Sóc Trăng), nuôi hơn 200 gà cũng vừa gọi thương lái đến bán để “giải nghệ”…
Tương tự, cơ sở nuôi gà thịt của ông Mai Ngọc (thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng) với gần 10 nghìn con/năm. Thế nhưng, vừa thả con giống ít tuần, gặp ngay cơn "bão giá", chi phí đầu vào sản xuất tăng đột biến làm ông Ngọc đứng ngồi không yên:
"Không ngờ giá cả biến động bất lợi như vậy. Tính ra, chi phí đầu vào cho chăn nuôi tăng hơn 20%, trong khi giá sản phẩm bán ra chỉ tăng 5-7%. Tình trạng này lỗ là cầm chắc".
“Trước giá nhân công lao động là 2,5 triệu đồng/người/tháng, song vừa qua, đã phải tăng lên 3 triệu đồng/người/tháng. Rồi giá thuốc thú y, tiền xăng, dầu, chất đốt đều tăng. Điều này khiến những hộ nuôi như chúng tôi không còn tí lợi nhuận nào.” - Ông Trần Văn Chiến
Là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi heo, ông Nguyễn Văn Sơn- chủ trại heo ở Lệ Trạch (Hòa Tiến, Đà Nẵng), cũng không khỏi đau đầu với bài toán chi phí. Theo ông, nắm chắc thua lỗ trong tay, nhưng vì trót đầu tư số vốn quá lớn, nên ông phải sống chết với nghề. Vả lại, không tiếp tục nuôi thì lấy tiền đâu trả ngân hàng.
Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (TX.Sơn Tây, Hà Nội) Trần Văn Chiến lo lắng: “Từ đầu năm đến nay, các chi phí đầu vào đều tăng mạnh khiến các hộ chăn nuôi lớn chỉ dám hoạt động cầm chừng, còn các hộ chăn nuôi nhỏ thì buộc phải "treo chuồng".
HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông hiện có hơn 500 trang trại chăn nuôi lợn và gà, với khoảng 150.000 đầu lợn và trên 500.000 con gà. Hiện nay tại HTX Cổ Đông đã có nhiều hộ treo chuồng vì không thể chạy đua với việc giá cả leo thang liên tục, nếu không treo chuồng thì vỡ nợ.
Phải bình ổn giá
Thạc sĩ Tăng Hồng Siêu - Phó phòng Kỹ thuật, Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, đánh giá: “Thường chi phí thức ăn chiếm từ 60-70% giá thành chăn nuôi. Nếu thức ăn tăng giá, sẽ đẩy người chăn nuôi vào thế bí, còn nhiều cơ sở bán lẻ thức ăn cũng đóng cửa vì ế khách”. Thực tế những ngày qua, nhiều cơ sơ bán lẻ thức ăn đã hạn chế nhập hàng, thậm chí tại Cà Mau, cả chục cơ sở xin tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói, dù nước ta có ngành chăn nuôi phát triển nhưng phần lớn nguyên liệu TĂCN vẫn phải nhập nên phụ thuộc rất lớn vào các nước. Việc tăng giá TĂCN là khó tránh khỏi, bởi tỷ giá tăng, xăng dầu tăng kéo giá vận chuyển tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu TĂCN lại không được hỗ trợ về vốn.
Giá TĂCN chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất, do đó ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (TX. Sơn Tây, Hà Nội) cũng như nhiều chủ trang trại chăn nuôi cho rằng, cần phải bình ổn được giá TĂCN để người chăn nuôi có tâm lý tái đàn. Nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay cùng với dịch bệnh đang bùng phát rộng rãi. "Giá thực phẩm tăng người tiêu dùng thì thiệt thòi còn người chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng" - ông Chiến nói.
Trước những lo ngại của người tiêu dùng về giá thực phẩm có thể đội tiếp trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định, so với mặt bằng giá như hiện nay thì giá thực phẩm vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu tăng cao quá, Nhà nước cần có biện pháp can thiệt để bình ổn.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Tin khác