Phát triển kinh tế biển là thế mạnh của Sầm Sơn

06/04/2011

Sầm Sơn không chỉ là địa danh du lịch nổi tiếng của Thanh Hoá. Trong nhiều năm qua Đảng bộ và chính quyền thị xã Sầm Sơn luôn quan tâm phát triển nghề biển. Đặc biệt là tập trung đầu tư và khuyến khích nhân dân khai thác và chế biến thuỷ sản. Chính vì sự quan tâm đó mà hiện nay ngành thuỷ sản Sầm Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho ngư dân vùng biển.

 
Thành quả sau những chuyến ra khơi
Những chuyến ra khơi "bội thu"
Đưa chúng tôi về thăm cảng Hới chuyên viên kinh tế của thị xã Sầm Sơn Phạm Ngọc Quang giới thiệu: cảng Hới là một địa điểm đầu mối thu mua các loại hải sản của cả khu vực trong và ngoài tỉnh Thanh Hoá, ở đây sau khi các sản phẩm hải sản được nhập về ngoài việc chế biến tại chỗ còn có thể chu chuyển đi nhiều nơi, không những vậy khách du lịch đến với Sầm Sơn sau khi về còn đến đây mua nhiều hải sản ngon để làm quà. Tại cảng Hới chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi khung cảnh ở đây thật tấp nập ai ai cũng nở nụ cười rạng ngời. Có lẽ đây là những giây phút hạnh phúc nhất của mỗi ngư dân sau những chuyến ra khơi thành công với những khoang tầu đầy cá trở về. Tầu của anh Nguyễn Hữu Nghĩa sau hai ngày ra khơi tuy không gặp được những luồng cá lớn nhưng đã mang về cảng trên 20 tấn cá các loại, nhẩm tính sơ sơ số cá trên tầu anh cũng đưa ra được số tiền đạt được khoảng 120 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thừa Đa một ngư dân đã trên 60 tuổi, mặc dù không còn tham gia vào những chuyến đi biển nhưng ngày nào ông cũng ra cảng. Hiện tại, gia đình ông có hai con tầu lớn 450 mã lực ông đã giao lại cho con trai quản lý, ông nói: tôi thường ra đây để động viên con cháu, trao đổi kinh nghiệm với chúng nó, ông bước xuống tầu rồi chỉ tay nói với chúng tôi: đây là con trai tôi hôm nay anh em đang sửa lại máy phát điện chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào tối nay, nghề lưới vây không thể thiếu ánh sáng được. Ông Đa cho biết thêm hai con tầu của gia đình ông đã đầu tư tới hai tỷ đồng trong đó ngân hàng đã tạo điều kiện cho vay hơn một tỷ đồng, từ khi có tầu lớn chúng tôi đã vươn khơi đánh bắt xa bờ rất hiệu quả. Đặc biệt năm 2010 đi chuyến đầu trong một đêm chúng tôi đã đánh bắt được 20 tấn cá lâm, bán được 100 triệu đồng, trừ chi phí 20 triệu còn lãi tới 80 triệu đồng. Trong cả năm 2010 tầu của gia đình tôi đã đánh bắt tới 700 tấn các các loại, trong đó có 20% cá xuất khẩu đạt doanh thu trong năm tới 5 tỷ đồng. Đầu năm 2011 tầu mới hoạt động được 1 tháng nhưng đã đánh bắt được 150 tấn đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Những con tầu đánh bắt xa bờ ở phường Quảng Tiến này đầu năm 2011 đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng trong đó hãy kể đến những tỷ phú như ông Nguyễn Viết Dân sau một đêm khai thác đã đánh bắt được 5,3 tấn cá nụ bán được 1,3 tỷ đồng. Tầu của ông Nguyễn Văn ý đánh bắt được 3,5 tấn cũng bán được trên 800 triệu đồng.
Sau chuyến ra khơi "bội thu"
 
Quan tâm hơn để nghề biển phát triển
Ông Phạm Gia Long, Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến không giấu nỗi niềm vui ông cho biết: ngay từ đầu năm UBND phường đã làm tốt công tác tổ chức nhiều hội nghị bàn bạc và thảo luận, tuyên truyền, vận động nhân dân rà soát lại tầu cá với lực lượng lao động, nghề cá, cải cách mô hình quản lý, phương thức ăn chia trong sản xuất. Đồng thời giúp ngư dân đấu mối với Ngân hàng nông nghiệp và PTNT Sầm Sơn để vay vốn gần 50 tỷ đồng để đầu tư mua sắm phương tiện, phát triển nghề mới và ngư lưới cụ phù hợp với khai thác. Hiện nay phường có tới 191 tàu cá với tổng công suất là 32.500 CV, vốn đầu tư cho phương tiện là 150 tỷ đồng với hơn 1.760 lao động. Trong năm 2010 sản lượng khai thác ước đạt 10.350 tấn hải sản với giá trị 134 tỷ đồng. Đây là nguồn thu rất lớn đối với phường Quảng Tiến và chính từ việc quan tâm đầu tư đúng mức mà ngay từ năm 2011 nhiều ngư dân ra khơi khai thác đã mang về tiền tỷ.
Đến nay tổng phương tiện khai thác thuỷ sản toàn thị xã Sầm Sơn có 1.076 chiếc với tổng công suất là 52.117 CV. Hầu hết các tầu cá luôn được đầu tư cải hoán, sữa chữa và trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc để không ngừng nâng cao hiệu quả và an toàn cho khai thác đồng thời từng bước hạn chế phát triển tàu nhỏ, thô sơ khai thác vùng ven bờ. Năm 2011 Sầm Sơn phấn đấu nâng sản lượng thuỷ sản lên 15.100 tấn, trong đó sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 14.920 tấn. Tuy nhiên, do triển khai và thực hiện tốt nên quý I/2011 sản lượng khai thác thuỷ sản đã đạt 4.032 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Văn Truyền, Phó chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết: ngành thuỷ sản ở Sầm Sơn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội do vậy thị xã luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá. Đặc biệt việc khai thác đánh bắt luôn được quan tâm. Hiện nay, thị xã đang tiếp tục tổ chức lại sản xuất và năng lực khai thác xa bờ, điều chỉnh cơ cấu phương tiện tăng cường phát triển tầu thuyền đánh bắt xa bờ với công suất lớn có trang thiết bị hiện đại cho phù hợp với nguồn lợi thuỷ sản và ngư trường khai thác, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vay vốn từ ngân hàng để đầu tư mua sắm phương tiện hiện đại, khuyến khích ngư dân sử dụng các ngư lưới cụ và nghề khai thác phù hợp để trong năm việc khai thác đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao hơn.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/4/27768.html


Tin khác