Nông dân nghèo vì không đất sản xuất

05/04/2011

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng không ít nông dân không có đất sản xuất bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Không có đất canh tác là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nông dân (ND) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lọt vào diện nghèo.
1001 lý do không đất
Hàng chục năm bám đất mãi không khá, ông Lê Phước Xùng - ND chính tông miệt Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), đã bán gần 20 công đất của cha ông để lại, cầm tiền lao vào kinh doanh với ước mơ trở thành thương nhân.
Có 2 công đất rẫy canh tác quanh năm, gia đình anh Năm Dân (Sóc Trăng) vẫn sống sung túc, còn nuôi 3 con ăn học
 
Tương tự ông Nguyễn Văn Lấm - xã Vĩnh Bình (Hòa Bình, Bạc Liêu), ruộng không nhiều, con đông, hết vụ này rồi vụ khác, chẳng thoát khỏi điệp khúc "trúng mùa, mất giá", "được giá, mất mùa", cũng phải quyết định bán đất tìm đường khác mưu sinh. Cả gia đình ông lên TP. Hồ Chí Minh, mở xe nước mía gần khu công nghiệp với hy vọng mỗi ngày kiếm vài chục nghìn đồng/ngày, đủ nuôi 5 miệng ăn.
Trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Minh Tâm - quê Rạch Sỏi (Kiên Giang), cắn răng bán đứt 3 công đất, bởi sau thời gian cầm cố chưa xoay đâu đâu ra tiền để chuộc. Gom chút tiền dư, gia đình ông kéo nhau sang Bạc Liêu mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp và chạy xe ôm…
Vô lý hơn, khi cả vùng đất sản xuất rộng lớn, người nghèo chỉ biết ngó vào, bởi đó là những khu đất "treo" vì các dự án. Như ở Bạc Liêu, hơn 700ha đất ven biển được giao cho một công ty thuê dài hạn để triển khai dự án nuôi tôm. Dự án "tê liệt", nhưng đất cũng "treo" đó. Ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), vài chục ha đất của hơn 50 hộ ND không thể đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, chỉ vì một phác họa về dự án dành cho cơ sở sản xuất giống thuỷ sản.
Làm thuê trên đất của mình
Sau nhiều năm vật lộn trên thương trường, ông Xùng trắng tay. Trở về quê, ông may mắn được người quen cho mượn tạm miếng đất ven kênh cất chòi. Ông đành đi làm thuê cùng 3 đứa con. Điều đáng buồn nhất là ông lại làm thuê ngay trên mảnh đất vốn của chính mình.
Còn ông Lấm, lâu nay chẳng "thoát" khỏi xe nước mía, mà chỉ bữa đói bữa no. Anh Tâm cũng chẳng khá gì hơn… ND Bán đất để hy vọng đổi đời, song phần lớn kết cuộc, cái nghèo, cái khó cứ "rình rập" trước cửa nhà.
Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2010, hơn nửa số hộ nghèo ở ĐBSCL là do không có đất hoặc ít đất sản xuất.
Để giải quyết căn cơ cho ND nghèo, Bà Trần Thị Quýt - Chủ tịch Hội ND tỉnh Sóc Trăng, đề xuất: "Nên giúp ND cái "cần câu cơm". Cần câu ấy chính là đất sản xuất". Ông Võ Văn Út - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu gợi ý, chính quyền xem xét lại các quỹ đất nhà nước như đất ven biển, đất của các nông - lâm - ngư trường chưa khai thác… để cấp đất cho ND. Những dự án "treo" quá lâu, cần kiên quyết thu hồi để có thể giúp ND có tư liệu sản xuất. Với những ND đã lỡ cầm cố đất, có thể chính quyền hỗ trợ vốn để họ chuộc lại đất…
Có đất trong tay chưa đủ. Thực tế, nhiều ND có hàng chục công đất, nhưng kỹ thuật canh tác lạc hậu, nên vẫn khó thoát nghèo và họ lại bán đất. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo (Long An): "Muốn xóa nghèo phải xây dựng từ nội lực của chính ND. Phải giúp ND nâng cao tri thức và trình độ canh tác gắn với đào tạo nghề, đó là giải pháp mang tính lâu dài, giúp người nghèo ĐBSCL thoát nghèo bền vững".
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://www.danviet.vn/38170p1c34/nong-dan-ngheovi-khong-dat-san-xuat.htm


Tin khác