Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh, thành - Nông dân nửa mừng, nửa lo

01/04/2011

Nông dân - đối tượng chính trong việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) vốn được đánh giá là có lợi lớn khi áp dụng mô hình này, thực ra cũng đang tỏ ra không ít lo lắng.

Lo nhiều vấn đề nảy sinh
Dù rất vui, nhưng ông Nguyễn Công Lý - ấp 5, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vẫn tỏ ra không ít lo lắng khi có ý định thực hiện dịch vụ BHNN.
Ông lo, khi triển khai sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề như: Mức đóng BH bao nhiêu là vừa, Nhà nước hỗ trợ trong thời gian triển khai thí điểm sau đó còn hỗ trợ nữa không, kỹ thuật canh tác lúa như thế nào, lúa bị dịch bệnh gì thì mới được trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng, ai sẽ là người đứng ra xác nhận...
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL.
 
Ông Lý cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người trồng lúa, thậm chí những doanh nghiệp mua lúa của dân cũng có trách nhiệm trong việc mua BH cho nông dân. Người nông dân hầu như chỉ có nguồn thu nhập chính là cây lúa nên khi bị thiên tai, dịch bệnh thì họ xem như trắng tay. Chỉ có BH mới giúp người nông dân sản xuất bền vững được”.
Còn nông dân nuôi tôm Trần Văn Biện - xã Ninh Hòa, Hồng Dân, Bạc Liêu, tâm sự: Liệu cánh nhà nông có đáp ứng nổi các yêu cầu về chuẩn mực trong canh tác để thực hiện tốt hợp đồng BHNN? Nếu không xong hoặc không hoàn thiện thì việc thẩm định rủi ro ắt phải liệt vào trách nhiệm nhà nông.
Cũng như ông Biện, anh Lê Luận - nuôi tôm ở xã Vĩnh Thịnh (Bạc Liêu), bày tỏ: Làm theo chuẩn chắc chắn phải đầu tư nhiều, trong khi nhà nông ít vốn. Dù có được hỗ trợ phí BHNN, nhưng liệu có bao nhiêu nông dân có vốn để đầu tư hoàn chỉnh. Do vậy, vấn đề cần bàn đến là vay vốn sản xuất mới có đầu tư.
BHNN ở vùng ĐBSCL không phải là không thực hiện được nhưng cần phải làm từ từ, từng bước một. Trước mắt nông dân vùng ĐBSCL cần phải thay đổi phương thức, tập quán sản xuất, nhất thiết phải thành lập tổ hợp tác, HTX hay công ty cổ phần để tạo đầu ra sản phẩm ổn định, chất lượng. Công ty bảo hiểm chỉ cần hợp đồng với 1 người đại diện nên rất thuận lợi và dễ quản lý.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL
Giúp dân hoàn thiện mô hình sản xuất
Ông Ca Quốc Hận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho rằng, thực trạng sản xuất miệt đồng bằng thường manh mún, phân tán, khó quản lý; khi đầu tư theo quy cách mà các DNBH đề ra sẽ tốn kém. Nguồn đầu tư lại sẽ chủ yếu là vốn vay, trong khi sổ đỏ đang ở các ngân hàng, liệu bao nhiêu nông dân được vay tín chấp để đầu tư tiếp?
Và theo ông Hận, đầu tư nông nghiệp thường dài hạn, nên xét đến khả năng bồi thường rủi ro theo từng thời đoạn và nên BH theo ngưỡng năng suất bình quân/đơn vị diện tích.
Ngoài hỗ trợ phí BH, cần xét đến yếu tố đầu tư vốn bổ sung, giúp nông dân hoàn thiện mô hình; đặc biệt phải huấn luyện kỹ thuật theo chuỗi sản xuất hoàn chỉnh cho từng đối tượng bảo hiểm, được quản lý thống nhất trong một tổ chức (HTX, câu lạc bộ, tổ hợp tác).
Ông Năm Phong - xã Vĩnh Trạch, TP.Bạc Liêu đã một lần tham gia BHNN về cây lúa cùng hàng chục hộ khác nhưng đã không được đền bù vì “làm chưa tốt”.
Trong khi, một nông dân khác ở xã Hưng Hội, TP.Bạc Liêu, tham gia BHNN về con tôm và được bồi thường ngay dù sự thẩm định rất sơ sài. Điều đáng nói, cán bộ giám sát hợp đồng của 2 trường hợp trên chưa từng nuôi tôm hay trồng lúa, sự am hiểu chừng mực, chủ quan…
Theo ông Ca Quốc Hận, cả phía DN cũng cần có cán bộ rành chuyên môn nông nghiệp để có sự đánh giá công tâm, đồng cảm với nhà nông.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://www.danviet.vn/37831p1c34/nong-dannua-mung-nua-lo.htm


Tin khác