Thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn

30/03/2011

Với hàng loạt chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn đối với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn thời gian qua, hoạt động khuyến công tại nhiều địa phương trên cả nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

*Tác động tích cực tới cơ sở sản xuất
Theo Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương, từ khi triển khai thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012, các hoạt động khuyến công, nhất là đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm tiêu biểu… đã có kết quả tích cực đối với nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên phạm vi cả nước. Nếu giai đoạn 2001 – 2004, giá trị sản xuất khu vực công nghiệp nông thôn có mức tăng trưởng bình quân là 15,75%, đến giai đoạn 2005 – 2010 đã đạt mức 17,6%. Số lao động làm việc trong các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng 8,9%/năm, chiếm gần 55% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp.
Quảng Bình là một trong số các địa phương có hoạt động khuyến công sôi nổi và có hiệu quả. Ngay từ năm 2005, Quảng Bình đã có nhiều chủ cơ sở sản xuất và hộ cá thể gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất, điển hình như: Xí nghiệp chế biến Tơ tằm Minh Thành, chế biến nguyên liệu mây Phương Bắc, Sản xuất nước tinh khiết Suối Mơ, Sơ chế mũ cao su Lê Hoá (Tuyên Hoá)…. Để hỗ trợ nhân lực cho các cơ sở này, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ đào tạo được 4.000 lao động, chủ yếu là các ngành nghề: mây tre đan, thêu ren, may công nghiệp, đóng tàu thủy…. Ngoài ra, kinh phí khuyến công cũng hỗ trợ cho hàng trăm lượt cơ sở thay đổi công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Bình, ông Phạm Hữu Thắng, với sự hỗ trợ đó, Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc trong phát triển nghề, làng nghề và cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
Tương tự đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua nguồn vốn khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; đồng thời Trung tâm đã phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề nhằm cung ứng lao động cho các cơ sở sản xuất, làng nghề. Tính riêng năm 2010, đã có hàng chục lớp đào tạo nghề được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm lao động ở các vùng nông thôn; bao gồm: 2 lớp đào tạo nghề mây tre đan theo các mẫu mới làm hàng thủ công mỹ nghệ và lưu niệm của HTX Bao La (Quảng Điền); 1 lớp đào tạo nghề sản xuất xăm lưới phục vụ đánh bắt thủy sản tại thôn Vân Trình, xã Phong Bình (Phong Điền); 4 lớp đào tạo nghề thêu tay truyền thống tại Phú Bài (Hương Thủy), Phú Đa, Vinh Thanh (Phú Vang), Hương Giang (Nam Đông)... Hoạt động đào tạo nghề của các đề án khuyến công không chỉ đáp ứng nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mà còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các làng nghề, cơ sở sản xuất trong việc mở rộng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ truyền thống cho tiêu dùng và xuất khẩu.
* Phát triển theo hướng nhanh và bền vững
Để đẩy mạnh triển khai các nội dung của Nghị định 134/2004/NĐ-CP, Quyết định 136/2007/QĐ-TTg và Chương trình khuyến công địa phương đã được phê duyệt, Cục Công nghiệp địa phương đã có định hướng xây dựng, thực hiện các Chương trình, đề án khuyến công có trọng tâm, trọng điểm. Các địa phương tập trung khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp toàn quốc, từng vùng và từng địa phương giai đoạn đến năm 2015/2020, tầm nhìn 2030. Từng tỉnh phát huy lợi thế so sánh, thế mạnh về các nguồn lực tại mỗi vùng, mỗi địa phương; xây dựng các ngành, sản phẩm tiêu biểu, có sức cạnh tranh cao; tăng cường liên kết trong vùng và liên kết vùng nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng nhanh và bền vững; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. 

Một số tỉnh đã có những giải pháp kịp thời về vấn đề này như tỉnh Quảng Bình, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh các mặt hàng truyền thống về chế biến thủy sản tại các xã, phường ven biển; mở rộng và phát triển nghề chế biến thủy sản các địa phương ven sông Gianh, sông Nhật Lệ. Tỉnh cũng khuyến khích đầu tư mở rộng, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao tại trung tâm các huyện, thành phố Đồng Hới. Quảng Bình cũng đã triển khai lập quy hoạch để hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu như vùng trồng dâu nuôi tằm, gỗ nguyên liệu, trồng cây cao su, dược liệu, phân vùng khoanh nuôi bảo vệ các loại song mây, giang, tre nứa…và vùng trồng mới nguyên liệu mây để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất. Tỉnh sẽ hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Việc khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đầu mối để cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, hộ gia đình và các làng nghề cũng được quan tâm thực hiện. 

Mặc dù vậy, hoạt động khuyến công tại nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khăn, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thiếu vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, hầu như các chủ cơ sở mới chỉ phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tự phát. Các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác khuyến công từ Trung ương đến địa phương chưa đầy đủ và cụ thể, chậm được triển khai phổ biến đến cơ sở, định mức hỗ trợ kinh phí khuyến công theo quy định của Nhà nước còn thấp nên chưa kích thích được người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn vào phát triển công nghiệp…
Qua quá trình triển khai tại một số địa phương, Cục Công nghiệp địa phương đề nghị Chính phủ ban hành chỉ thị chỉ đạo các Bộ ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 134/2004/NĐ-CP và Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg và coi đây như một giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố tăng cường quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương; bổ sung thêm biên chế; đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cấp tỉnh theo hướng chuyên nghiệp hoá để tổ chức thực hiện tốt hoạt động khuyến công tại địa bàn./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=452505


Tin khác