Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi: Tác động tích cực đến “tam nông”

25/03/2011

Phóng viên NTNN phỏng vấn Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng về hiệu quả của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng nói, phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong 3 phong trào trọng tâm của Hội NDVN và đã được ghi vào nghị quyết các kỳ đại hội Hội NDVN.
Thưa Phó Chủ tịch, phong trào ND SXKD giỏi tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn?
- Hơn 20 năm phát động (từ năm 1989), phong trào ND thi đua SXKD giỏi phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; có sức lan toả, thu hút sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp uỷ, chính quyền; sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, ND. Đến nay đã có hàng chục triệu hộ ND đăng ký. Riêng năm 2010, 4,4 triệu hộ được công nhận SXKD giỏi các cấp. Phong trào phản ánh quá trình đổi mới cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước trên cả 3 lĩnh vực là nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (giữa) thăm mô hình trồng lặc lày mướp Mường) hàng hoá của ND xã Cư Yên (Lương Sơn, Hoà Bình).
 
Đối với nông nghiệp, phong trào đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, áp dụng tiến bộ KHKT mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Từ phải nhập khẩu một lượng lớn lương thực, nước ta đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản với sản lượng nhất, nhì thế giới.
Đối với nông thôn, những mô hình sản xuất của các hộ ND SXKD giỏi đã tạo ra hàng triệu việc làm. Theo đó, thu nhập của người ND được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện cho ND tham gia cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đối với ND, phong trào đã khuyến khích họ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trình độ, tay nghề của ND được nâng lên đáng kể... Phong trào càng có ý nghĩa khi nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 26 Hội nghị lần thứ 7, BCH T.Ư Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thưa Phó Chủ tịch, phong trào ND SXKD đã góp phần gì vào thực hiện chiến lược giảm nghèo của đất nước?
- Những hộ SXKD giỏi không chỉ là những nhân tố tiên phong trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn mà còn giúp đỡ, hỗ trợ và là chỗ dựa quan trọng cho các hộ ND nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Việc xét duyệt hộ ND SXKD giỏi nhiều nơi làm rất chặt chẽ, bình xét từ chi, tổ hội. Một trong các tiêu chí của hộ SXKD giỏi là phải giúp hộ nghèo, hộ khó khăn. Để được công nhận SXKD giỏi cấp T.Ư, hộ đó phải giúp 15 hộ; cấp tỉnh, thành phố giúp 5-10 hộ; cấp huyện, quận giúp 5 hộ; cấp cơ sở giúp 3 hộ thoát nghèo.
Với vai trò chủ trì, "nhạc trưởng", trong hơn 20 năm qua, Hội đã hỗ trợ, khuyến khích phong trào ND SXKD giỏi thế nào?
- Hội hỗ trợ thông qua việc tổ chức dịch vụ về vốn, vật tư phục vụ sản xuất; tiêu thụ nông sản hàng hóa; chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng mô hình; mở các lớp tập huấn, dạy nghề, tạo việc... Với sự hướng dẫn của Hội và sự năng động, nhạy bén, sáng tạo của ND, nhiều địa phương đã xuất hiện các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá giữa các hộ ND SXKD giỏi; hình thành các CLB doanh nhân nông thôn; CLB ND SXKD; chi hội nghề nghiệp; các tổ liên kết nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản...
Định kỳ, các cấp Hội tổ chức hội nghị biểu dương khen thưởng, tôn vinh những điển hình tiên tiến xuất sắc SXKD giỏi.
BCH Hội NDVN (khoá V) vừa ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn hộ ND SXKD giỏi các cấp, giai đoạn 2011-2016, tiêu chí có gì khác giai đoạn trước?
- Phong trào ND SXKD giỏi ngày càng phát triển sâu, rộng nhưng chưa đồng đều giữa các vùng miền; giữa các các địa phương. Mới đây BCH T.Ư Hội NDVN đã ban hành văn bản số 18-QĐ/HNDTW về “Quy định tiêu chuẩn hộ ND SXKD giỏi các cấp, giai đoạn 2011-2016” thay Quy định 135-QĐ/HND ngày 4.4.2008. Theo đó, có 6 tiêu chuẩn đối với hộ ND SXKD giỏi. Trong đó, phải đạt các tiêu chí về thu nhập; số việc làm và số lao động tạo ra; số hộ nghèo, hộ khó khăn phải giúp đỡ. Các tiêu chí này được cụ thể hóa cho 3 đối tượng là hộ ND ở các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; hộ ND ở các tỉnh khu vực đồng bằng, trung du và hộ ND ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng cao...
"Giai đoạn 2006-2010, bình quân thu nhập của hộ ND SXKD giỏi cấp tỉnh, thành phố và T.Ư 160 triệu đồng/hộ/năm, hộ thu nhập cao nhất khoảng 7,6 tỷ đồng/năm; cấp huyện, thị, quận 81 triệu đồng/hộ/năm..."
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Tin khác