Bà Rịa- Vũng Tàu: Những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế nông thôn

24/03/2011

Diện tích đất nông nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu chiếm 57% diện tích đất tự nhiên, dân số nông thôn cũng chiếm tới 55% dân số toàn tỉnh. Điều này cho thấy phát triển nông nghiệp giữ một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Bà Rịa- Vũng Tàu.

Đẩy mạnh công tác chuyến giao khoa học kỹ thuật tới các hộ dân
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu luôn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Các qui trình sản xuất, cũng như các mô hình sản xuất tiến bộ như rau an toàn, tưới nước tiết kiệm, chăn nuôi khép kín… được chuyển giao đến tận hộ nông dân, ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm chỉ đạo sâu sát, nhờ đó mà các loại dịch bệnh nguy hiểm như rầy nâu, vàng lùn xoắn lá lúa, bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu, dịch lở mồm long móng, lợn tai xanh trên đàn gia súc đã được các địa phương kịp thời phòng chống, không để lây lan nhanh ra diện rộng, gây thiệt hại cho sản xuất.
Mô hình trồng rau sạch ở thị trấn Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu cho hiệu quả kinh tế cao
 
Ngành nông nghiệp của tỉnh đã đẩy nhanh chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006- 2010, theo đó đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhập nhiều loại giống cây, con để nhân giống phục vụ cho sản xuất. Kết quả là hàng năm đã sản xuất và cung cấp hàng nghìn con lợn nái và lợn thương phẩm, cùng với đó là khoảng 100 nghìn con gà, trứng gà giống và thương phẩm các loại. Nhằm giúp bà con nông dân có nguồn giống tại chỗ, ngành chức năng của Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đưa chương trình sản xuất lúa giống xuống các địa phương như các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức… nhờ đó, trong 5 năm qua đã cung cấp gần 500 tấn lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận. Trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp của tỉnh đang tiếp tục bình tuyển trên 200 con bò cái nền lai Sind và tăng cường công tác phối giống bò lai Sind.
Có thể khẳng định, hiện nay, hệ thống sản xuất giống cây trồng, vật nuôi của các trang trại, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới trong sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; đồng thời thu nhập của bà con nông dân đã được cải thiện. Nhiều hộ nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã thu lợi nhuận khá cao từ nông nghiệp. Anh Đặng Văn Tuyền, một hộ trồng rau sạch ở thị trấn Xuyên Mộc cho biết: với hơn 3000 mét vuông đất trồng rau sạch, do tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và làm theo qui trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, vườn rau nhà anh lúc nào cũng đạt năng suất cao và giữ được vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi với diện tích này nhiều hộ khác phải thuê thêm người làm, nhưng do áp dụng kỹ thuật tưới và chăm sóc tiên tiến nên hai vợ chồng anh chăm sóc là đủ. Chính vì thế mà thu nhập của gia đình tăng cao gấp hai đến ba lần so với các hộ khác.
Hiện tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang có nhiều qui hoạch, chương trình, dự án phát triển nông thôn được triển khai như qui hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, qui hoạch phát triển thủy lợi, phát triển vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, hồ tiêu, rau xanh, cây cảnh.v.v…Trong đó có dự án đầu tư xây dựng vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhãn xuồng Bà Rịa- Vũng Tàu theo tiêu chuẩn Việt GAP.
Phát triển các chương trình giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và đẩy mạnh phong trào trồng cây, bảo vệ rừng
Trong những năm qua, các chương trình trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng ở Bà Rịa- Vũng Tàu được triển khai đạt nhiều kết quả tốt. Chương trình 5 triệu ha rừng của tỉnh đến nay đã đã thực hiện được trên 1 nghìn 600 ha. Hàng năm, phong trào trồng cây nhân dân được phát động tới khắp các địa phương cũng như tới từng hộ, nhờ đó mà từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn của tỉnh, nhân dân đã tham gia trồng được trên 1 nghìn 500 ha. Để chương trình 5 triệu ha rừng của tỉnh đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, bảo vệ rừng tới mỗi người dân, nhất là những huyện có diện tích rừng lớn như Xuyên Mộc, Châu Đức…. Đi đôi với công tác tuyên truyền, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở Bà Rịa- Vũng Tàu cũng được triển khai đồng bộ, nhờ đó mà rừng được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt hơn.
Đường giao thông nông thôn ở huyện Đất Đỏ, Bà Rịa- Vũng Tàu
 
Với vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển ngư nghiệp, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang phát triển mạnh về nuôi trồng và khai thác. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2010 của tỉnh là gần 8 nghìn ha. Theo ông Lê Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thì do cải tiến phương pháp, ứng dụng kỹ thuật mới trong nuôi trồng cơ cấu sản phẩm thủy sản ngày càng phong phú, mô hình đa dạng nên năng suất, sản lượng nuôi tăng khá cao, năm 2010 đạt 20 nghìn tấn, sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 273 nghìn tấn. Các hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được triển khai tích cực hơn, hàng năm ngành nông nghiệp của Bà Rịa- Vũng Tàu đã phối hợp với các địa phương mở trên hai mươi lớp tập huấn tuyên truyền về tình hình đánh bắt hải sản trên biển và công tác quản lý tàu cá cho hàng nghìn lượt ngư dân trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét các phương tiện hành nghề trên sông, biển sử dụng dụng cụ sung điện, chất nổ và hóa chất khác có tính hủy diệt để khai thác thủy sản.
Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống hạ tầng nông thôn ở Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã hoàn thành các công trình hồ chứa nước đầu nguồn như hồ Đá Đen, Sông Hỏa, Sông Ray. Với ba hồ này cùng với 12 hồ hiện có của tỉnh, tổng lượng nước chứa từ các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đạt trên 272 triệu mét khối, đủ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, nước phục vu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với xây dựng công trình hồ chứa nước đầu nguồn, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương đạt hiệu quả cao. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 70km hệ thống kênh hai cấp, góp phần mở rộng diện tích tưới thêm trên 10 nghìn ha lúa và hỗ trợ các loại cây trồng khác, giảm tỷ lệ thất thoát nước và chi phí nạo vét kênh hàng năm./..
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác