Bình ổn thế nào để cả 2 đều có lợi?

24/03/2011

Thông thường qui luật cung cầu chi phối giá cả và sản xuất, có thể xảy ra 3 trường hợp: (1) Hàng quá nhiều, thừa cung: Giá thấp nhà sản xuất lỗ - nhà sản xuất giảm qui mô sản xuất hoặc phá sản. (2) Cung cầu cân bằng: Giá cả phải chăng, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều vui. (3) Nhu cầu cao, cung thiếu, giá cao: Nhà sản xuất lời to, người tiêu dùng kêu khổ.

Tuy nhiên ngày nay, cung cầu không chỉ được quyết định bởi sản lượng sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng mà nó còn bị tác động bởi sự can thiệp phi sản xuất của con người như sự đầu cơ, sự can thiệp của Chính phủ, chính sách bảo hộ… Bình ổn giá cũng nằm trong các biện pháp can thiệp vào cơ chế thị trường.
Trong trường hợp thiên tai, địch họa, sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể bị triệt tiêu, sự can thiệp của Chính phủ để ổn định cuộc sống và sản xuất là việc hết sức cần thiết. Thực tế Chính phủ mọi quốc gia đều phải dùng ngân sách để cung cấp mặt hàng thiết yếu với giá rẻ, thậm chí phát không trong các trường hợp khủng hoảng nhân đạo, dịch bệnh, thiên tai… như lũ lụt ở miền Trung, sóng thần ở Nhật Bản...
Việc Chính phủ xuất ngân sách để tăng nguồn cung hàng hóa (bằng cách hỗ trợ sản xuất, chống đầu cơ, hoặc giảm thuế nhập khẩu …) để đưa thị trường cung cầu về trường hợp 2, không những ổn định được thị trường, ổn định xã hội mà còn tác động tích cực đến sản xuất.
Tuy nhiên nếu bình ổn giá bằng phương pháp hành chính như bắt bán theo giá niêm yết ấn định, dùng ngân sách bù lỗ cho những nhà phân phối để kìm giá … thì dễ phản tác dụng. Những biện pháp này trên thực tế không hề thay đổi được tình trạng cung không đủ cầu, người sản xuất vẫn có thể bị lỗ ngay cả trong trường hợp hàng hóa khan hiếm, nhà sản xuất sẽ thu hẹp sản xuất, không dám đầu tư phát triển, kết quả là cung càng thiếu. Nếu chu trình này được lặp lại và kéo dài, sản xuất có thể bị tiêu diệt.
Lấy ví dụ: Philippines là một nước xuất khẩu gạo, do Chính phủ bù lỗ cho kênh phân phối nhằm kìm giá gạo xuống thấp khiến nông dân sản xuất ra lua gạo không bán được gạo với giá cao dần dần họ chán nản không trồng lúa nữa đã biến Philippines trở thành nước nhập khẩu gạo. Ngay ở Việt Nam thời kỳ bao cấp: Lúa, thịt lợn được bán giá thấp theo qui định, kết quả là gạo, thịt thiếu nghiêm trọng.
Hiện nay, sau khi tăng giá điện, giá xăng thì vấn đề bình ổn giá gạo, giá thịt, giá thức ăn chăn nuôi đang là vấn đề nóng của xã hội và cơ quan quản lý. Nhưng bất luận thế nào, giá cả hàng hóa chỉ ổn định lâu dài khi sản xuất phát triển ổn định. Và chỉ khi những người nông dân có lời thì nghề nông mới có thể phát triển, gạo thịt mới có thể dồi dào được. Nói cách khác không nên thấy giá nông sản lên mà kéo xuống. Thay vào đó Nhà nước nên có chính sách khuyến khích nông dân sản xuất thật nhiều nông sản. Khi cung nhiều sẽ khiến giá cả tự động giảm.
Nông dân là một lực lượng lớn trong xã hội Việt Nam, vấn đề đặt ra là làm sao để giúp nông dân có lời: Với giá nông sản như hiện nay, cộng với nhiều chính sách ưu đãi như đầu tư xây dựng thủy lợi, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phổ biến kỹ thuật, giống có năng suất cao… lẽ ra nông dân phải có lời. Nhưng nông dân vẫn phải bán giá thấp rất sát với giá thành vì các lý do chính: Sản xuất nhỏ lẻ nên không có khả năng đầu tư phương tiện sơ chế sản phẩm để bảo quản như phơi, sấy, không có kho tàng để bảo quản...
Do đó khi đến vụ thu hoạch, sản phẩm dồi dào nhưng họ phải bán ngay, dồn dập nếu không sản phẩm sẽ bị hỏng hoặc giảm chất lượng. Buôn bán trong điều kiện đó đương nhiên lợi thế không thuộc về nông dân. Bởi vậy chỉ hỗ trợ đầu vào để nông dân tăng năng suất sẽ không có kết quả trong việc nâng cao mức thu nhập của nông dân...
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/75701/Default.aspx


Tin khác