Học nghề để tạo sản phẩm sạch

24/03/2011

Chỉ học nghề từ 45 ngày tới 3 tháng, nhưng nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, hữu cơ hóa đồng ruộng để tạo ra sản phẩm sạch, nâng cao giá trị nông sản và nâng cao thu nhập.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh bên vườn chanh không hạt.
Làm giàu trên đất phèn
Hầu hết nông dân ở đây đều học nghề ngắn hạn do Trường Cao đẳng nghề Tây Sài Gòn mở tại chỗ. Với 2,5ha đất bị nhiễm phèn, hết trồng thơm (dứa) sang trồng mía, năm 2006 chị Huỳnh Thị Ngọc Sang ngụ ấp 5 xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức (Long An), trồng chanh không hạt. Cuối năm 2010, chị theo học lớp bảo vệ thực vật do Trường Cao đẳng nghề Tây Sài Gòn chiêu sinh.
"Sau 45 ngày học, tôi thực hành ngay trên vườn chanh nhà mình về cách phun thuốc, cách sử dụng phân bón hữu cơ... Kết quả là chi phí giảm một nửa so với lúc chưa học"- chị Sang nói. Cùng theo học lớp dạy nghề bảo vệ thực vật như chị Sang, anh Nguyễn Văn Vinh đầu tư 80 triệu đồng cải tạo mặt bằng chuyển trồng chanh.
Nâng những quả chanh ra trái đợt đầu, anh Vinh vui vẻ khoe: "Ai cho tôi tiền triệu tôi cũng không thích bằng cho tôi đi học nghề làm nông nghiệp. Lớp học có hiệu quả, áp dụng ngay vào sản xuất nên giờ cứ nghe có lớp dạy nghề là bà con trong xã rủ nhau đi học".
"Xã Thạnh Hòa hiện có 1.000ha đất chuyển từ mía, thơm sang trồng chanh không hạt nên nhu cầu học nghề nông nghiệp rất lớn"- kỹ sư Trần Thị Sáu - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Bến Lức - là giáo viên thỉnh giảng dạy nghề cho nông dân chia sẻ.
Trường nghề của nông dân
Nhắc tới các lớp dạy nghề nông dân ở Long An, người dân lại nhắc tới tiến sĩ Trần Công Chính- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tây Sài Gòn, người có nhiều sáng kiến mở lớp "hút" nông dân học nghề. Nguyên là cán bộ giảng dạy khoa toán Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, sau 4 năm nghỉ hưu, đầu năm 2010, tiến sĩ Trần Công Chính mở Trường Cao đẳng nghề Tây Sài Gòn- có trụ sở tại Long An.
"Nằm trong vùng trọng điểm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, chúng tôi được Bộ LĐTBXH giao thêm việc dạy nghề cho lao động nông thôn"- ông Trần Công Chính nói. Tháng 11.2010, trường chiêu sinh lớp nông dân đầu tiên đến học nghề làm nông. Căn cứ xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Long An và các địa phương trong khu vực, bước đầu trường tập trung vào dạy 3 chương trình: Bảo vệ thực vật trên các loại cây trồng; kỹ thuật trồng-chăm sóc hoa-cây kiểng; kỹ thuật sản xuất rau an toàn (RAT).
Nông dân có nhu cầu học nghề sẽ được chính quyền cơ sở lập danh sách gửi về trường, đủ từ 30-35 học viên, trường đưa giáo viên, tài liệu, xuống mở lớp ngay tại ấp. Thời gian học từ 30-45 ngày, trong đó 30% thời lượng dành cho lý thuyết, 70% thực hành. Toàn bộ chi phí học nghề đều được chi trả theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, nông dân được miễn phí học nghề.
Trao đổi về phương châm dạy nghề cho nông dân, tiến sĩ Trần Công Chính khẳng định: "Các lớp dạy nhề của chúng tôi giúp nông dân hữu cơ hóa đồng ruộng, hướng họ tạo sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường và bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Chúng tôi cũng dạy nông dân phải biết kết hợp nuôi-trồng để lợi nhuận tăng thêm trên cùng diện tích canh tác".
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://www.danviet.vn/36768p1c34/hoc-nghe-de-tao-san-pham-sach.htm


Tin khác