"Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu"

24/03/2011

Đó là đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới về kinh tế của Việt Nam. Theo WB, năm 2009, Việt Nam tăng trưởng 5,3%, đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 6,8%. Đây là mức độ tăng nhanh nhất trong 3 năm gần đây. Sự hồi phục nhanh chóng này xuất phát từ nhu cầu trong nước mạnh, đầu tư nước ngoài cao hơn và sự hồi sinh mạnh mẽ của xuất khẩu.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng tăng và kiều hối có tốc độ tăng trưởng khả quan. Xuất khẩu tăng ở mức 25,5%, trong đó xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ đặc biệt tốt với tốc độ tăng là 31,5% trong năm 2010. Cán cân thương mại được cải thiện và kiều hối tư nhân với khối lượng lớn đã giúp giảm thâm hụt tài khoản vãng lai từ 8% năm 2009 xuống khoảng 4% trong năm 2010. Dòng vốn FDI mạnh, việc giải ngân nhanh dòng vốn ODA và đầu tư gián tiếp cũng đã giúp nguồn vốn nhà nước đảm bảo khoản thặng dư khoảng 12% GDP trong năm 2010
WB nhận định, Việt Nam tốn kém nhiều khi quyết định ngừng triển khai gói kích thích tiền tệ và tài chính muộn hơn mặc dù đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Đến quý III năm 2010, lạm phát bắt đầu tăng nhanh. Chênh lệch tỷ giá tại thị trường đen và thị trường chính thức bị nới rộng và các vấn đề tài chính xảy ra tại Vinashin - một doanh nghiệp nhà nước lớn với nhiều ngành nghề kinh doanh từ đóng tầu đến chứng khoán bắt đầu bộc lộ. Giá cả tiếp tục leo thang xuyên suốt quý IV của năm 2010 do nhu cầu trong nước tăng mạnh vào dịp cuối năm cùng với tác động của việc tăng giá cả toàn cầu và các khó khăn về nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước do dịch bệnh và thời tiết. Thiện cảm của thị trường vốn quốc tế đối với Việt Nam suy giảm đặc biệt sau khi Vinashin không trả được khoản thanh toán đầu tiên trị giá 60 triệu USD trong một khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD.
Theo WB, Chính phủ đã nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, nhưng những biện pháp này không kéo dài.
Tết âm lịch 2011, lạm phát đã leo lên đến mức 12,2%, cao nhất trong hai năm gần đây và VND chịu áp lực rất cao với chênh lệch trao đổi tại thị trường đen và thị trường chính thống trên 10%. Mặc dù đã có cải thiện trong thâm hụt tài khoản vãng lai và tiếp tục thặng dư lớn trong tài khoản vốn, lượng dự trữ ngoại hối trong năm 2010 giảm đi. Phần lớn thặng dư trong cán cân thanh toán đều nằm ngoài hệ thống ngân hàng dưới dạng lỗi và sai số, mà trong hai năm liên tiếp, số thặng dư này vượt quá 10 tỷ USD. Đã đến lúc Chính phủ phải có những hành động và giải pháp quyết liệt, nếu không sẽ không đáp ứng được kì vọng của các nhà đầu tư trong nước.
Đến đầu tháng hai, Chính phủ nhất trí đưa ra các biện pháp mạnh để khôi phục lại ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ nhận ra rằng cần phải chú ý, tập trung giải quyết bất ổn cho dù điều này sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn. Chính phủ công khai đưa ra ý định theo đuổi "chính sách tài chính và tiền tệ chặt chẽ và thận trọng", thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết 11, bao gồm một loạt các cải cách tiền tệ, tài chính và cơ cấu nhằm làm dịu nền kinh tế quá nóng.
WB cũng phân tích các nội dung chính trong chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đó là:
Về tỷ giá hối đoái: Điều chỉnh tỷ giá giao dịch liên ngân hàng của tiền đồng lên 9,3% so với đô la Mỹ và biên độ giao dịch giảm từ +/-3% xuống còn +/-1%. Đây là lần thay đổi tỷ giá lớn nhất kể từ năm 2007 khi sự bất ổn định kinh tế bắt đầu. Theo WB, vì ngày càng có sự gia tăng mạnh trong giao dịch vàng bán bất hợp pháp, dẫn đến những lỗ hổng lớn trong cán cân thanh toán, Nghị quyết 11 yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Namban hành Nghị định về Quản lý giao dịch vàng. Theo đó, tập trung hóa việc xuất khẩu vàng, dần từng bước xóa bỏ giao dịch vàng miếng và ngăn chặn buôn bán vàng qua biên giới.
Về chính sách tiền tệ, theo WB, trong vòng bốn tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất cơ bản (tái cấp vốn) từ 8 lên 11% và điều chỉnh lãi suất thị trường mở (nghiệp vụ repo – mua đi bán lại giấy tờ có giá) từ 7% đến 12%. Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 xuống dưới 20% so với 39% của năm 2009 và khoảng 30% của năm 2010.
Về chính sách tài chính, Chính phủ đã thông báo sẽ cắt giảm 10% các khoản chi thường xuyên (không bao gồm chi tiền lương và các khoản có tính chất lương), không xét duyệt các dự án công mới kể cả cho các doanh nghiệp nhà nước và như thế sẽ giảm thâm hụt tài chính xuống dưới 5% GDP trong năm 2011 (theo cách tính toán của Bộ Tài chính) – giảm 1 điểm phần trăm so với ước tính thâm hụt ngân sách 2010 và 0,3 điểm phần trăm giảm so với dự toán ngân sách 2011.
Về ngành ngân hàng, Nghị quyết 11 giới hạn hoạt động của ngành ngân hàng trong các hoạt động phi sản xuất (bao gồm thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán) xuống 22% trong tổng số tín dụng cho đến 30 tháng 06 năm 2011 và chỉ còn 16% cho đến 31 tháng 12 năm 2011. Các ngân hàng không tuân thủ sẽ buộc phải tăng gấp đôi tỉ lệ dự trữ bắt buộc và giới hạn hoạt động kinh doanh của mình. Ngân hàng nhà nước sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định trên của các ngân hàng vào cuối tháng 6 năm 2011.
Về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân công nhiệm vụ rà soát lại các khoản đầu tư và các dự án đầu tư dự kiến của các doanh nghiệp nhà nước để tìm ra các dự án mà có thể không cần thiết hoặc có thể buộc giảm quy mô. Thời hạn để Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình báo cáo trước Quốc hội là cuối tháng 3 năm 2011. Nghị quyết 11 cũng chỉ rõ, Chính phủ sẽ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và củng cố hơn nữa việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước.
Theo WB, Chính phủ cũng đang triển khai các biện pháp cải cách cơ cấu khác, như: Chính phủ đang chuẩn bị một thông tư nhằm tăng việc công khai thông tin và chính sách liên quan đến ngành ngân hàng và quản lý tiền tệ. Chính phủ đang chuyển dịch từ một cơ chế hành chính định giá các mặt hàng thiết yếu như: điện, ga và nhiên liệu sang một cơ chế giá dựa vào thị trường nhiều hơn. Theo đó, giá điện tăng 15,3%, giá gas có thể tăng 18%, dầu diesel có thể tăng 24% và dầu hỏa có thể tăng 21%. Thêm vào đó, Chính phủ sẽ đưa ra quy định thiết lập một cơ cấu giá điện dựa vào cung cầu của thị trường.
WB nhận xét thêm, dường như việc thiếu một chính sách vĩ mô tổng thể và nhất quán đã làm cho bất ổn kinh tế vĩ mô trong những năm vừa qua của Việt nam đi từ thái cực này sang thái cực khác. Việc công bố các chính sách ổn định kinh tế gần đây là một bước quan trọng đúng hướng để phá vỡ chu kỳ phát triển nóng rồi lại tăng trưởng chậm và để khôi phục lại hình ảnh của một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của đầu tư nước ngoài trong khu vực. Các biện pháp đã được Chính phủ thảo luận và tranh luận rộng rãi và nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan, các ủy ban ngân sách và tài chính chủ chốt của Quốc hội. Các thị trường tài chính quốc tế cũng đã phản ứng thuận lợi trước những biện pháp này, cụ thể là mức rủi ro của trái phiếu ngoại tệ do Chính phủ Việt Nam phát hành đã có cải thiện bước đầu. Điều này cũng dự báo tốt cho thành công của các biện pháp này.
Sự thay đổi chính sách gần đây đã giảm được một số rủi ro. Tuy nhiên, việc tăng giá nhiên liệu và điện, giá cả hàng hóa tăng trên toàn cầu và VND giảm giá sẽ tăng thêm áp lực lạm phát trong ngắn hạn. Lạm phát cơ bản (không kể lương thực phẩm và nhiên liệu) sẽ có thể giảm dần khi triển khai các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính. Tỷ lệ lạm phát cơ bản giảm và ở mức ổn định cùng với sự cân bằng được cải thiện của thị trường quốc tế dần dần sẽ giúp bình ổn thị trường ngoại hối. Với điều chỉnh ngân sách 2011 và Nghị quyết gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm tiếp tục củng cố các tài khoản tài chính và dần dần giảm bớt thâm hụt ngân sách đến mức trước khủng hoảng. Nợ công của Việt Nam có thể vẫn bền vững nếu duy trì được đà phục hồi kinh tế hiện nay và Chính phủ có một lộ trình giảm thâm hụt tài chính. Trong khi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô sẽ làm chậm tăng trưởng trong ngắn hạn, nếu thực hiện thành công, các biện pháp này sẽ giúp Việt Nam đạt được tiềm năng tăng trưởng trước khủng hoảng của mình trong trung hạn./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=451129


Tin khác