Trường Trung cấp nghề Quảng Bình: Dạy “nghề phụ” cho nông dân

25/03/2011

Ông Ngỗ Hữu Sò (56 tuổi, nông dân xã Hồng Thủy-Lệ Thủy-Quảng Bình) đang chăm đàn lợn của nhà thì có khách hàng xóm đến. Ông hàng xóm chiêu ngụm nước trà gọn hất rồi xoa tay: “Thôi thì chuyện thiệt, tôi đến có ý nhờ bác sang nhà tiêm cho mấy con heo giùm…”. Ông Sò vừa soạn “đồ nghề” , cười: “Không chỉ tiêm được lợn của nhà mà tôi trở thành thú y viên cho gia đình các con và hàng xóm nữa đó….”.

Mấy năm nay, Trường Trung cấp nghề Quảng Bình đã quan tâm đến việc dạy nghề ngắn hạn (3 tháng) cho các đối tượng là nông dân trong tỉnh. Lớp học không chỉ thu hút những nông dân trẻ mà còn là địa chỉ của nhiều nông dân cao tuổi tìm đến. Đơn giản là họ mong được cán bộ dạy cho cách tiêm con bò, con lợn. Đến các lớp dạy nghề này mới thấy nhu cầu học nghề của nông dân trong tỉnh rất lớn mà chưa thực sự được quan tâm hoặc đáp ứng đầy đủ. Một lớp dạy nghề thông thường từ 40-50 người nhưng hầu hết tại các xã, bà con đăng ký đi học qua Hội Nông dân lên đến hàng trăm người.
Trong việc bố trí giáo viên dạy các lớp này, Trường đã lựa chọn và mời các chuyên gia kỹ thuật trong ngành nông nghiệp đến bắt tay chỉ việc, hướng dẫn cách làm cụ thể cho bà con, tránh phương pháp truyền đạt lý thuyết chung chung. Học viên khi vào lớp khá rụt rè nhưng với cách chỉ bảo tận tình về lý thuyết cũng như thực hành của giaó viên, họ đã tự tin hơn. Ông Ngô Hữu Sò (xã Hồng Thuỷ) sau khi nhận chứng chỉ nghề chăn nuôi thú y đã cho biết: “Bình quân mỗi năm gia đình tôi xuất chuồng khoảng 100 con lợn thịt. Nuôi với số lượng như vậy nhưng mỗi lần lợn có dấu hiệu bệnh gì đều phải đi gọi cán bộ thú y xã đến kiểm tra và tiêm, mất thời mà không phải lúc nào cũng gọi được. Nghe tin tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi thú y, tôi đăng ký sớm nhất và cũng thuộc hàng học viên lớn tuổi nhất của lớp học.
Khi nhận được chứng chỉ nghề chăn nuôi thú y là giúp tôi nhận biết dấu hiệu dịch bệnh và tiêm được thuốc phòng trừ. Khi đi học thì ai cũng nói là học thêm nghề phụ, nhưng nó lại hỗ trợ lớn cho thu nhập chính của gia đình. Hay thiệt…”. Hầu hết học viên sau khi được đào tạo nghề đã áp dụng hiệu quả vào sản xuất của gia đình mình. Ông Trần Văn Lâm (47 tuổ, ở Hưng Trạch- Bố Trạch) thì cho rằng: “Nông dân không có điều kiện để đi học nghề mà Trường về tận xã giúp cho bà con thì quá hay. Bây giờ trồng trọt, chăn nuôi phần lớn bằng các giống cây, con mới nếu không hiểu biết, không có trình độ thì làm sao để thu năng suất và sản lượng cao được. Không chỉ nắm bắt kiến thức trong chăn nuôi mà chúng tôi còn đề nghị Trường giúp đỡ thêm để phát triển các nghề phụ khác như đan mây, mộc…”.
Xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) có một vùng đất chua phèn rộng lớn bỏ hoang đầy cỏ năn cỏ lác. Nhận ra được tiềm năng để phát triển thuỷ sản, xã đã ra nghị quyết cải tạo và chuyển đổi diện tích này sang nuôi cá. Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trường dạy nghề mở 2 lớp đào tạo nghề nuôi cá và thuỷ sản nước ngọt cho gần 100 người. Bây giờ đến Vĩnh Ninh, cánh đồng Sác hoang hoá ngày nào đã trở thành khu nuôi nuôi cá bài bản. Con cá trên đồng Sác đã giúp cho nhiều hộ nông dân bớt nghèo. Hay như ở Hội Nông dân xã Cam Thuỷ (Lệ Thủy) đã “nhanh tay” đăng ký và phối hợp mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y cho 50 nông dân trong xã là bởi đàn bò lai (khoảng 200 con) trên địa bàn đang có xu hướng tăng cao hàng năm, trong khi sự hiểu biết và phương pháp phòng trị bệnh cho giống bò mới không phải ai cũng nắm được. Thực ra, người dân vùng cát này chẳng xa lạ gì với việc chăn nuôi bò nhưng đó chủ yếu là giống bò vàng địa phương. Thông qua khoá học, người dân được chuyển giao kỹ thuật nuôi bò lai sind, vỗ béo bò gầy và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò cái trong thời kỳ sinh sản cùng những những biện pháp phòng trị một số bệnh thường xảy ra đối với trâu bò. Điều đáng nói hơn là Cam Thuỷ giờ đây đã có được đội ngũ cán bộ thú y cơ sở khá vững mạnh là chủ công trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng tại địa phương
Ông Nguyễn Tiến Khai, trưởng Phòng đào tạo nhà Trường cho rằng, cách dạy nghề này đã lấy học viên làm trung tâm, giáo viên là người tạo cơ hội, gợi mở cho người học tiếp thụ kiến thức. Cái đích cuối cùng là giúp người học khái quát hoá kién thức rút ra bài học hữu ích qua quá trình trải nghiệm. Đây chính là phương thức đào tạo nghề cho nông dân hiệu quả nhất. Thành công trong việc phối hợp tổ chức dạy nghề cho nông dân giữa Trường với các cấp Hội Nông dân sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong năm tới. Các cấp Hội nắm nguyện vọng của nông dân để lựa chọn nghề đào tạo, lo chiêu sinh và nơi học. Trường lo giáo viên giảng dạy, trích một phần kinh phí trong chương trình dạy nghề ngắn hạn hàng năm để mua lợn, bò thực hành, hỗ trợ học viên áo quần bảo hộ…Cách làm đã được học viên và lãnh đạo các xã đánh giá cao.
Được biết, trogn năm 2010, Trường đã đào tạo nghề cho trên 1.000 học viên là nông dân với cá nghề chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, máy động cơ điêden phục vụ nông nghiệp…Dự kiến trong năm nay sẽ đào tạo khoảng 1.200 học viên nông dân và mở rộng nghề như gia công cơ khí, dịch vụ du lịch nhằm giúp người lao động nông thôn có thể làm việc tại các khu công nghiệp
Ông Đoàn Công Tấn- Hiệu trường Trường Trung cấp nghề Quảng Bình: Một thực tế là con em gia đình khá giả thì cố vào các trường đại học. Chỉ có con em nông dân, hộ nghèo, cận nghèo mới mới quan tâm đến chuyện học nghề, nhưng điều kiện để theo học cũng khó khăn. Việc hỗ trợ học phí cho những đối tượng này cũng nên được quan tâm đúng mức đê tạo điều kiện cho họ có cơ hội tìm kiếm việc làm…”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/47/47/75941/Default.aspx


Tin khác