Bình Thuận phát triển giao thông nông thôn theo hướng “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”

25/03/2011

Trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhân dân tại các xã Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc), Hải Ninh (Bắc Bình) Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) và Đức Bình (Tánh Linh) là những địa phương điển hình của tỉnh Bình Thuận về xã hội hóa việc xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn. Tỉnh đã đề ra các giải pháp nhằm kiên cố hóa tất cả các tuyến đường giao thông nông thôn theo hướng “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Từ nay đến năm 2015, phấn đấu có ít nhất có 40% các tuyến đường được kiên cố hóa (trừ số km đã được kiến cố từ trước).

Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ nhân dân; thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ của nhân dân để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn tại địa bàn dân cư. Trong quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch, bàn bạc dân chủ trong dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, cùng với sức dân đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, khu vực bảo đảm tính khả thi cao, đem lại hiệu quả thiết thực, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. 

Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng huy động các nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp, kiên cố nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần cải thiện điều kiện đi lại, sinh hoạt, phục vụ sản xuất của nhân dân, từng bước làm thay đổi bộ mặt địa bàn dân cư. Tuy nhiên, hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh còn yếu kém, nhiều nơi đã xuống cấp nghiêm trọng… Toàn tỉnh hiện còn hơn 80% trong tổng số hơn 2.700 km các tuyến giao thông nông thôn là đường đất, đường sỏi, chất lượng kém, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn ở Bình Thuận hiện nay là vấn đề bức xúc, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là ở địa bàn dân cư và các khu vực sản xuất tập trung.
Theo đó, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh phấn đấu kiên cố hóa ít nhất 40% các tuyến đường chưa được kiên cố hóa. Các địa phương tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng các tuyến đường vào khu sản xuất tập trung; đường nội bộ ở các thôn, khu phố, làng bản… chưa được nâng cấp, cải tạo và sớm hoàn thành hệ thống giao thông nông thôn ở các xã điểm thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”./
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=451718#


Tin khác