Bám biển thời lạm phát: Cần mở rộng liên kết

29/03/2011

Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, ngư dân Bạc Liêu đang phấn chấn chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới thì năm nay, không ít người chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí neo thuyền đậu bến. Tuy nhiên, nếu biết cách tính toán, liên kết làm ăn, ngư dân vẫn có thể thu lợi.

Dầu tăng, giá cá không tăng
Hiện nay, có một nghịch lý mà nhiều ngư dân khó chấp nhận là giá dầu đã tăng hơn 3.500 đồng/lít, nhưng giá thu mua nguyên liệu thủy sản vẫn “dậm chân tại chỗ”. Có kêu than thì mấy chủ vựa chỉ nhích lên vài trăm đồng/kg, chẳng thấm vào đâu so với hàng loạt chi phí tăng theo giá xăng dầu. Ông Dương Quốc Cường ở ấp 4, thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) cho biết: “Thấy giá xăng dầu tăng, tôi cũng muốn tăng giá thu mua cho ngư dân nhưng khổ nỗi các đại lý không chịu tăng nên cũng đành chịu”. Sản xuất không có lãi, nhiều ngư dân ở huyện Đông Hải chỉ hoạt động cầm chừng, hoặc neo tàu để chờ chuyển đổi sang nghề khác. Bà Nguyễn Thị Hằng ở ấp 1, thị trấn Gành Hào than thở: “Gia đình tôi làm nghề cào tôm, từ bữa giá dầu tăng đến giờ là neo ghe đậu luôn, vì đi là lỗ. Hiện cả 5 lao động sống bằng nghề biển chỉ mong sớm đến mùa ruốc để chuyển sang làm nghề te ruốc, chứ tiếp tục cào tôm thì chi phí chịu không nổi”.
Các phương tiện đánh bắt nhỏ gần bờ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất khi giá xăng dầu tăng. Bởi phương tiện đánh bắt cũ nên hao phí nhiên liệu nhiều, gấp 2-3 lần so với phương tiện được đầu tư máy mới. Với việc giá dầu tăng thêm 3.550 đồng/lít, họ phải gánh thêm chi phí trên 7.000-10.000 đồng/lít. Điều đáng nói, phần lớn tàu thuyền ở Bạc Liêu đều là phương tiện khai thác gần bờ.
TP.Bạc Liêu có 250 tàu thuyền nhưng số phương tiện đánh bắt xa bờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn các huyện gần biển khác như Hòa Bình thì gần như 100% phương tiện đánh bắt đều khai thác gần bờ. Ngay cả Đông Hải, địa phương phát triển mạnh kinh tế biển và tập trung phương tiện đánh bắt nhiều nhất tỉnh, cũng chỉ có 200/500 phương tiện có khả đánh bắt xa bờ. Qua đó thấy, việc tăng giá xăng dầu thật sự là áp lực đối với hoạt động khai thác. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều phương tiện nằm đợi đến mùa con ruốc hoặc có sự hỗ trợ của Nhà nước như Quyết định số 289/QĐ-TTg về hỗ trợ dầu mới tiếp tục khai thác.
Khó mấy cũng phải làm
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng được thể hiện trong Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, dù có khó khăn mấy cũng phải làm và hoàn toàn có thể làm được khi các ngành cũng như ngư dân cùng quyết tâm.
Giá xăng dầu tăng nên nhiều phương tiện đánh bắt ở Bạc Liêu nằm bờ, không dám ra khơi.
 
Thực tế cho thấy, trong điều kiện tăng giá xăng dầu, bà con ngư dân vẫn có giải pháp để khắc phục. Điển hình như việc một số chủ phương tiện khai thác thủy sản tại huyện Đông Hải đã không trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, màvận động các thành viên trong gia đình cùng góp vốn, hoặc liên kết hợp tác với các chủ phương tiện khác. Tiêu biểu là hộ bà Nguyễn Lệ Thủy ở ấp 1, thị trấn Gành Hào. Trước hình hình giá dầu tăng, khai thác gần bờ kém hiệu quả, bà đã vận động người thân trong dòng họ góp vốn để đầu tư sắm thêm phương tiện, chuyển từ nghề cào đơn sang cào đôi, lợi nhuận thu được gần 100 triệu đồng/chuyến (15 ngày). Bà cho biết: “Muốn duy trì sản xuất thì cái gì cũng phải chủ động và tính toán hợp lý. Nếu mình không có vốn mà muốn làm nghề cào đôi thì liên kết với phương tiện khác thành một cặp cùng khai thác”.
Liên kết hay tổ chức lại sản xuất là rất cần thiết cho hoạt động đánh bắt hiện nay, nhất là các giải pháp giúp ngư dân giảm chi phí đầu tư, phát huy hiệu quả của hoạt động khai thác. Bên cạnh đó, việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở một số hộ tự phát tại thị trấn Gành Hào cũng cần được một kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng.
Điển hình cho việc làm tốt công tác hậu cần là hộ ông Bùi Công Bê ở ấp 2. Gia đình ông có hai phương tiện đánh bắt, một chiếc chuyên khai thác, một chiếc chuyên ra biển thu mua nguyên liệu và đảm nhiệm luôn dịch vụ hậu cần nghề cá như: cung cấp nhiên liệu, thực phẩm để phương tiện kia tiếp tục đánh bắt dài ngày cũng như làm tốt công tác y tế trên biển. Nếu ngư phủ nào bị bệnh thì theo tàu vận chuyển hàng hóa vào đất liền để chữa trị, thay vì phải nằm chịu đựng cho hết chuyến đi. Theo ông Bê, việc làm trên đã giúp ông giảm chi phí đầu tư từ 30-40%/chuyến và lợi nhuận thu được tăng gấp nhiều lần so với việc đưa tàu vào bán cá, neo đậu, lại tốn thêm chi phí chạy tàu không ra biển.
Hình thức liên kết sản xuất trên biển cần được các địa phương nhân rộng, vì ngoài lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư, còn mang lại nhiều lợi ích khác như: hỗ trợ thông tin về ngư trường, thông báo bão, đảm bảo các điều kiện về y tế, cứu nạn, cứu hộ trên biển…
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/3/27671.html


Tin khác