Mở cửa thị trường XK gạo: Cần trang bị đầy đủ để tự tin hội nhập

29/03/2011

Trong bất kỳ cuộc cạnh tranh nào, nếu được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, khả năng giành chiến thắng là rất cao. Cũng vì thế, lắng nghe ý kiến của chuyên gia và triển khai ngay những công việc cần thiết trước mắt cũng như lâu dài là việc cần làm ngay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và bà con nông dân. Chúng tôi xin ghi lại ý kiến của một số chuyên gia, doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.

GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang: Nông dân sẽ hưởng lợi
Theo tôi, việc mở cửa thị trường gạo cho công ty nước ngoài vào tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo trực tiếp tại Việt Nam là có lợi cho nông dân. Các công ty lương thực phải sớm bỏ cách làm “ăn xổi ở thì”.
Cần tăng cường kiến thức cho nông dân trong sản xuất để nâng cao chất lượng lúa gạo.
 
Các tổng công ty lương thực cũng như các thành viên thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam không tạo nguồn nguyên liệu mà chỉ sử dụng thương lái, mà thương lái thì lại ép giá, lợi dụng nông dân. Do đó gạo xuất khẩu bị pha trộn, đủ các loại giống, nên khi xuất không có thương hiệu, đồng thời làm cho danh tiếng gạo Việt Nam bị mai một.
Việc các công ty nước ngoài vào sẽ kích thích nhu cầu làm ăn chân chính. Các công ty nước ngoài vào có nghĩa là sẽ giúp cho nhà nông trồng lúa có thị trường ổn định hơn, họ sẽ tổ chức sản xuất để có nguồn nguyên liệụ. Họ sẽ ký hợp đồng với nhà nông trồng và chế biến một giống chứ không phải nhiều giống và như vậy nhà nông sẽ làm ra loại gạo tốt hơn. Như vậy, tốt cho nhà nông và giúp cho gạo Việt Nam dần dần có uy tín trên thế giới.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch hiệp hội lương thực việt nam (VFA): Xây dựng mô hình doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn
Để đối phó với làn sóng cạnh tranh mới, giải pháp cơ bản là doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững, tạo sự gắn bó mật thiết với nông dân. Đây cũng là mô hình nhiều doanh nghiệp đang áp dụng, trong đó vụ đông xuân 2010- 2011, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã ký hợp đồng bao tiêu 10.000ha lúa cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song đó, ngoài việc cung ứng cho các khách hàng truyền thống, khách hàng tập trung, Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng đang hướng tới xây dựng kho dự trữ với trữ lượng 1 triệu tấn gạo, cũng như sản xuất các loại gạo đem lại giá trị gia tăng cao.
Ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia phân tích dự báo thị trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn – Ipsard): Cần theo dõi sát thị trường
Nghị định 109/NĐ-CP là bước đi cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội trước làn sóng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, công tác tổ chức thị trường sẽ được cải thiện. Hiện, việc xây dựng hệ thống kho chứa đang được tiến hành rất khẩn trương và thời gian tới, năng lực dự trữ, bảo quản lúa gạo của Việt Nam sẽ được nâng cao. Tháng 1/2011, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 485.000 tấn, cao hơn dự kiến 350.000- 400.000 tấn. Đây là tháng đầu năm có số lượng giao hàng lớn nhất từ trước đến nay. Về trị giá cũng đạt mức cao do giá xuất khẩu bình quân tăng. Tháng 2/2011, lượng gạo xuất khẩu cũng tăng do nguồn cung dồi dào vì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm. Dự kiến, xuất khẩu gạo quý I/2011 sẽ đạt 1,6 triệu tấn; quý II/2011 có thể xuất 2,24 triệu tấn.
Dù thị trường xuất khẩu gạo khá lớn và sẽ không có khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng chúng ta chưa thể mạo hiểm ký hợp đồng lớn vì thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động, cần theo dõi sát. Mặc dù sản lượng lúa năm nay dự kiến tăng nhưng các doanh nghiệp không nên quá lo lắng mà bán tháo như các năm trước.
Ông Hoàng Hữu Phước, Tổng giám đốc MYA Business Corporation: Nông dân có thể chọn đối tác để bán
Tôi có mối quan hệ với nhiều đối tác nước ngoài như Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc), Iran, Hoa Kỳ... Những yêu cầu của các đơn vị thu mua nước ngoài về chủng loại giống, quy trình thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch sẽ là cơ hội giúp nông dân Việt Nam chuyên nghiệp hơn trong sản xuất. Riêng với Nghị định 109, tôi nghĩ có thể sẽ hạn chế tình trạng tranh mua tranh bán như hiện nay, thay vào đó, nông dân có thể được hưởng lợi từ chính nghị định này. Cụ thể, việc yêu cầu doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc sẽ góp phần nâng cao giá trị hạt gạo. Như vậy, sau khi thu hoạch, nông dân có thể lựa chọn đối tác để bán.
Nhiều năm qua, gạo Việt Nam luôn có giá thấp hơn gạo Thái Lan, năm 2010 có thời điểm gạo 5% tấm của Việt Nam thấp hơn Thái Lan đến 160 USD/tấn. Nguyên nhân chính vẫn là vì Thái Lan luôn có lượng tồn kho cao, chứa trong các silo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trước triển vọng sáng sủa của sản xuất, việc tiếp tục triển khai ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo mới ngay từ bây giờ sẽ giúp thị trường trong nước tránh được tình trạng trầm lắng rất có thể xảy ra trong những tháng tới, khi vào vụ thu hoạch.
TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Hình thức cung – cầu và cách điều phối rất quan trọng
Vụ đông xuân năm nay, chúng ta tiếp tục thắng lợi, mặc dù lúc xuống giống nông dân gặp nhiều khó khăn: mưa trái vụ, lũ về muộn nên đồng ruộng vừa không được tẩy rửa vừa thiếu lượng phù sa cần thiết, sâu bệnh và chuột hại lúa gia tăng. Với tình hình hiện nay, giá lúa có thể trong khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg; nông dân có lãi khá vì vụ đông xuân chi phí sản xuất thấp. Trên thực tế, giá lúa tùy thuộc lúa gạo hàng hóa có trong dân, nghĩa là sản xuất ra mà các doanh nghiệp ký hợp đồng tốt, xuất khẩu tốt, tiêu thụ tốt thì giá lúa sẽ tăng. Còn nếu sản xuất ra mà xuất khẩu ngưng trệ thì các doanh nghiệp chậm thu mua, nông dân sẽ khó khăn. Tôi thấy vấn đề này không nằm ở giá lúa thế giới mà do hình thức cung cầu, tiêu thụ, điều phối của các doanh nghiệp.
TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Bỏ quan niệm xuất khẩu cái mình có
Tôi cho rằng, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu cái chúng ta có, mà chưa quan tâm đến một chiến lược phát triển xuất khẩu dài hạn và có tầm nhìn, có trọng tâm, làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu. Đối với nhiều mặt hàng, hiện ta vẫn hỗ trợ theo kiểu “mì ăn liền”, như với lúa gạo. Hỗ trợ vốn, thu mua tạm trữ thì có, nhưng hỗ trợ để làm sao ra hàng hóa giá trị gia tăng cao thì chưa. Vì vậy, đầu tư cho nông dân xây dựng vùng sản xuất chất lượng cao là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Tin khác