DN nông nghiệp "đòi" chính sách

29/03/2011

Hội nghị “Diễn đàn DN Nông nghiệp” do Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM một lần nữa lại “hâm nóng” câu chuyện về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các DN nông nghiệp vừa và nhỏ (DNNN V&N) trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay.

KHỔ VỚI “BÃO” TIỀN TỆ VÀ “ÔNG” NGÂN HÀNG
Ngay sau lời khai mạc của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, nhiều DN đã đứng lên bức xúc về chuyện chính sách tiền tệ  thất thường. Ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Hiệp hội Điều VN, TGĐ Cty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafood) phàn nàn, chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá của ta hiện nay biến động không biết đâu mà lần. Đặc biệt, điều kiện cho vay đối với các DNNN V&N quá gay gắt, rất khó tiếp cận vốn, đồng thời lãi suất lên tới 20%/năm khiến DN thực sự điêu đứng.
Hiện nay, nước ta có trên 8.600 DN nông nghiệp nhưng có tới trên 90% có số vốn dưới 10 tỷ đồng, quy mô sản xuất quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế và so với các ngành kinh tế khác. Do vậy, DNNN V&N rất nhạy cảm với các biến động bên ngoài. Việc DN ngừng sản xuất, thua lỗ, phá sản là chuyện rất gần nếu không có chính sách và sự điều hành đúng đắn làm “bà đỡ” cho họ trong những lúc khó khăn.
Trong số những giải pháp đưa ra, ông Học nhấn mạnh đến vai trò của các ngân hàng là phải làm sao ưu tiên giảm lãi suất và tăng hạn mức cho vay đối với các DNNN V&N. “Chúng tôi đòi được quan tâm hơn, bởi lẽ đây là đối tượng kinh doanh chịu rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường, chính sách; đặc biệt là tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt rất thấp so với DN thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác” – ông Học nói.
Tương tự, ông Hồ Văn Vàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long khẳng định, nhiều ngân hàng đang làm ngược với Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg (ngày 10/1/2011) về Quy chế bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại. Ông Vàng nói: “Nhiều DN thủy sản dù được Ngân hàng phát triển VN bảo lãnh vay vốn, nhưng ngân hàng thương mại dứt khoát không cho vay bảo lãnh ngắn hạn. Đây thực chất là hành động làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Còn ông Vũ Duy Hải – TGĐ Cty CP Vinacam chuyên nhập khẩu nguyên liệu phân bón thì ca thán, dù Chính phủ đã yêu cầu ngân hàng phải ưu tiên ngoại tệ cho DN nhập khẩu phân bón nhưng giờ kiếm “đô” khó như “mò kim đáy bể”. Ngoài ra, khi đưa ra hạn mức cho vay, ngân hàng luôn vẽ ra nhiều loại dịch vụ khác nhau để thu phí rất vô lý. “Mới đây, Cty bị ngân hàng thu trên 5 tỷ đồng tiền phí các loại. Thấy bất hợp lý, chúng tôi gửi đơn lên ngân hàng yêu cầu trả lời nhưng thư đi hàng tháng cũng chẳng được hồi âm” – ông Hải nói.
CHÍNH SÁCH PHẢI GẮN THỰC TẾ
Ông Nguyễn Văn Lộc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, TGĐ Cty CP Đường Biên Hòa cho rằng, định nghĩa về DNNN V&N hiện không còn phù hợp với DN mía đường nữa. Bởi lẽ, do đặc điểm là phải đầu tư rất lớn nên 40 DN mía đường dù đặc trưng là liên quan tới 400.000 hộ nông dân nhưng không được hưởng ưu đãi như các DNNN V&N. Theo ông Lộc: “Cần phải xem xét hỗ trợ DN mía đường trong mối tương quan với hàng trăm nghìn hộ nông dân. Hiện mức thu nhập của người trồng mía hầu hết không đủ sống khi một năm chỉ thu được 20 – 30 triệu đồng/ha/hộ gia đình. Vì thế, khi nhận được chính sách hỗ trợ thì DN sẽ có điều kiện giúp tăng thu nhập cho người trồng mía”.
Liên quan đến chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, ông Lộc cho rằng cây mía có rất nhiều rủi ro, nhưng chẳng có đơn vị nào chịu cung cấp gói bảo hiểm cho cây mía là một điều bất công. Ngoài ra, DN ngành đường cũng kiến nghị cần phải điều hành tốt hơn việc nhập khẩu đường để tránh tình trạng thừa – thiếu, giá cả lên xuống thất thường như thời gian qua. Đặc biệt, Chính phủ phải có quan điểm rõ ràng trong việc khuyến khích sản xuất điện từ bã mía - nguồn năng lượng tái tạo rất lớn đang bị lãng phí hiện nay.
Về chính sách thuế đất nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thái – TGĐ Cty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi Đắk Lắk đề nghị nên ưu đãi hơn nữa về chính sách cho DN thuê đất sản xuất nông nghiệp. Ông Thái nói: “Trước đây với cái tên là nông trường, quản lý 2.000 ha cà phê với 1.200 lao động thì chúng tôi được ưu đãi tiền thuê đất, nhưng sau đó chỉ cần chuyển tên thành Cty TNHH MTV thì phải gò lưng trả tiền thuê đất. Về bản chất và hoạt động không thay đổi, cái tên khác đi là để dễ giao dịch làm ăn với nước ngoài thôi. Nếu chỉ vì thế mà không được hưởng ưu đãi thì chúng tôi xin tiếp tục mang cái tên cũ… nông trường”.
Nhiều DN khác đưa ra các kiến nghị về chính sách liên quan đến điều tiết hoạt động XNK nông, lâm sản, đặc biệt là nguyên liệu TĂCN để tránh tình trạng giá cứ thay đổi xoành xoạch như thời gian qua; chính sách đào tạo và giữ nguồn lao động cho các ngành nghề nông thôn địa phương đang ngày càng khan hiếm; chính sách về giá sàn cho cá tra để giúp nông dân giữ ao, DN đủ nguyên liệu sản xuất; chính sách về về tín dụng và quyền sở hữu đối với DN lâm nghiệp… Đặc biệt, ông Trương Thành Nghĩa – Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Vĩnh Long đề nghị khi có chính sách rồi, Chính phủ phải kiểm tra, giám sát và có chế tài cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện, nếu không trên dưới đá nhau thì chỉ có DN ở giữa “chịu trận” mà thôi.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần: Năm 2011 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách đối với các DN, đặc biệt là DNNN V&N. Vì thế, Chính phủ muốn lắng nghe tất cả những khó khăn, vướng mắc mà các DN gặp phải để sớm có chỉ đạo tháo gỡ. Những ý kiến DN nêu ra hôm nay đều rất nóng bỏng, thiết thực và sẽ được Bộ NN-PTNT xử lý ngay. Cụ thể, những ý kiến nào liên quan đến Bộ NN-PTNT sẽ được giao cho các Cục, Vụ, Viện, Ban đổi mới doanh nghiệp; còn những ý kiến nào liên quan đến Ngân hàng, Bộ Tài chính, Tài nguyên – Môi trường...Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị các Bộ, ngành và Chính phủ xem xét, xử lý ngay.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác