DN nước ngoài thu mua cà phê trái luật: Nông dân chỉ được lợi trước mắt

29/03/2011

Các DN cà phê nước ngoài đã tận dụng tối đa cụm từ “cạnh tranh” hay giúp nông dân bán được giá cao hơn để giải thích cho hành động của mình trong việc thu mua trực tiếp cà phê tại VN. Sự thực có phải như vậy?

Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần bày tỏ quan điểm: “Chúng ta khuyến khích DN nước ngoài kinh doanh tại VN theo đúng cam kết WTO, nhưng chúng ta cũng đã có quy định rất rõ ràng: DN nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản. Vì thế, chúng ta sẽ phải làm quyết liệt để họ tuân thủ pháp luật của VN”. Thứ trưởng Tần cũng khẳng định: “DN nước ngoài vay ngoại tệ lãi suất chỉ từ 2 – 5%/năm, sau đó vào VN tổ chức thu mua trực tiếp nông sản thực chất là sự cạnh tranh không lành mạnh. Về lâu dài, các DN trong nước đuối thế, lúc đó các DN nước ngoài sẽ tự do lũng đoạn thị trường, giá cả nông sản của ta tăng hay giảm không thể kiểm soát nổi”.
Thực ra, không phải tự nhiên mà VN hay hầu hết các nước đều hạn chế tối đa việc các DN nước ngoài vào trực tiếp “hái quả” ngay trong “sân nhà”.  Một DN kinh doanh nông sản tại TPHCM nhận định, sau cà phê, các mặt hàng nông sản khác của chúng ta sẽ tiếp tục nằm trong danh sách lũng đoạn của doanh nghiệp nước ngoài. Đến khi toàn bộ DN trong nước bị hạ gục, trên “sàn đấu” chỉ còn một “võ sĩ” ngoại bang thì lúc đó, các DN nước ngoài mới thỏa sức "làm giá" với người nông dân VN.
Đồng tình với suy nghĩ này, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê – Ca cao VN (Vicofa) cho rằng: Điều rất dễ xảy ra là, khi thị trường nông sản VN đã bị DN nước ngoài chi phối, lúc đó chúng ta sẽ chỉ trông chờ vào sự… ban ơn về giá của họ. Nếu thích thì họ có thể bắt tay nhau mua, còn không thích thì họ sẵn sàng quay mặc, bỏ mặc nông dân VN, bất kể sống hay chết”. Đáng ngại hơn, khi DN nước ngoài nắm trong tay quyền chi phối thì ai không dám chắc là họ không cấu kết với các “đại gia” đầu cơ trên 2 sàn giao dịch cà phê lớn nhất thế giới là London và NewYork để hạ “nốc ao” giá cà phê VN?!
Tìm hiểu của NNVN cho thấy, hiện tượng “lấn sân” của DN nước ngoài đã xuất hiện ở nhiều cây, con khác (tiêu, điều, thủy sản…) và nhiều lúc đã điều tiết được giá cả thị trường ngay trên sân nhà của VN. Theo ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), tiềm lực tài chính của các DN nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn có mặt tại nước ta đang lớn mạnh từng ngày, bao trùm lên nhiều mặt hàng nông sản. Nếu như không có chính sách kiểm tra, giám sát việc “phá rào” của họ thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ trở thành lực lượng làm thuê ngay trên mảnh đất của mình.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề ở đây là chúng ta không làm trái luật WTO, cũng không chăm chăm bảo hộ cho các DN trong nước để gây khó dễ cho DN nước ngoài. Việc đảm bảo luật được thực thi nghiêm minh chỉ nhằm giúp ngành hàng nông sản của ta nói chung và cà phê nói riêng sẽ có được sự phát triển bền vững, không sa bẫy hay lóa mắt trước những lợi ích nhất thời. Đặc biệt, cũng qua diễn biến trong ngành hàng cà phê lúc này, chúng ta có thể nhận ra rằng, một phần là do nguyên nhân chủ quan từ phía DN Việt Nam. Đó là không ít DN VN vẫn còn kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, chỉ biết đến quyền lợi của mình (bằng cách ép giá thu mua, không đầu tư trở lại vùng nguyên liệu…), chưa chia sẻ lợi ích thỏa đáng với người nông dân, vì thế nếu nông dân quay mặt cũng là điều dễ hiểu.
Một DN cà phê so sánh, xét về lãi suất vay ngân hàng 2 – 5% của DN nước ngoài (trung bình lãi suất chỉ 100 – 120 đồng/kg cà phê/vụ) với lãi suất 20% của DN VN (trung bình lãi suất 500 đồng/kg/vụ), các DN nước ngoài có điều kiện nâng giá mua cà phê cho nông dân cao hơn từ 3 – 4 triệu đồng/tấn mà vẫn có lãi hơn DN VN. Nếu tính tổng thể, khi mua 1 tấn cà phê, DN VN vẫn phải bỏ ra số tiền nhiều tương đương hoặc cao hơn DN nước ngoài (tính gộp cả lãi suất). Trong cuộc đối đầu này, DN nước ngoài đang có được “bà đỡ” từ nước họ, còn DN VN hoàn toàn ngược lại. Vì thế, về lâu dài, chính sách tiền tệ của ta cần phải thay đổi để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng hơn cho DN VN.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/76060/Default.aspx


Tin khác