Đồng bằng sông Cửu Long: Nâng cao sức chứa hệ thống kho và sấy lúa, bảo quản rau quả

29/03/2011

Theo Tổng công ty Lương thực miền Nam, hệ thống kho lương thực tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được xây dựng, trước hết ở các tỉnh có sản lượng lúa gạo lớn như Kiên Giang, An Giang, Long An, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, nâng sức chứa của hệ thống kho của vùng lên 1,6 triệu tấn, gần gấp đôi sức chứa hiện nay (850.000 tấn).

Dự kiến, hệ thống kho này sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2011. Sau đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xây mới hệ thống kho để nâng tổng sức chứa của hệ thống kho tại đây lên từ 2,8 – 3 triệu tấn. Đây là một phần trong đề án nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh nông sản, đảm bảo khả năng dự trữ phục vụ xuất khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Tổng mức đầu tư của đề án được dự toán hơn 7.000 tỷ đồng. Theo đó, phương án đầu tư xây dựng hệ thống kho sẽ được chia làm 2 phần: sửa chữa, nâng cấp hệ thống kho cũ và xây mới các kho hiện đại, tập trung chủ yếu tại những khu vực thuận tiện giao thông, gần cảng biển như: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL phát triển công nghệ sấy, mỗi năm làm khô được 7-8 triệu tấn lúa hè thu. Các tỉnh xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng cao, phát triển công nghệ bảo quản rau quả tươi, xây dựng thêm các nhà máy chế biến, công suất mỗi nhà máy từ 10.000 – 50.000 tấn năm tại các vùng sản xuất nguyên liệu lớn; phát triển thêm nhiều nhà máy công suất 1.000 – 2.000 tấn /năm với thiết bị trong nước chế tạo; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến như bột quả, nước quả cô đặc, quả ngâm đường, sấy khô, mứt quả; tăng tỉ lệ chế biến rau quả. 

Được biết, năng lực xay xát và lau bóng gạo (đạt chuẩn quốc tế) toàn vùng ĐBSCL đạt 10 triệu tấn/ năm, chiếm 50% lượng lúa làm ra. Khâu sấy và bảo quản còn yếu nên thất thoát còn cao (trung bình 12% / năm). Riêng vụ hè thu hao hụt tới 14% do thu hoạch vào mùa mưa. Hiện tại, nông dân tự bảo quản bằng phương tiện thủ công thô sơ. Đến nay, công nghiệp chế biến hầu như chưa có tác động nào đáng kể đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà chỉ chế biến những gì hiện có./.

Tin khác