Hậu cao su chết rét ở Yên Bái: Bán tín, bán nghi

29/03/2011

Có người bảo, cây cao su ở Yên Bái đã chết về cơ bản. Người khác lại cho rằng, cây vẫn sống, chẳng qua là đang trong thời gian cao su... ngủ. Trước những thông tin khác nhau này, PV NNVN đã đi tìm hiểu tại những vùng cao su trọng điểm ở Yên Bái.

Trong vài chục năm qua, tỉnh Yên Bái luôn đi đầu trong việc đưa những cây trồng mới, nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao cuộc sống cho người nông dân. Ba loại cây: Trẩu, sở, lai trở thành "khổ sở lai", cây cà phê Catimo thì đã về…mo, khiến cho ngàn hộ nông dân mất đất, nợ nần chồng chất. Còn hôm nay Yên Bái đang hứng khởi với cây cao su. Người ta chẳng thương tiếc cả ngàn ha rừng trồng đang xanh tốt hạ xuống để trồng cao su.
Không một mầm xanh trên hàng cao su mới trồng sau rét
 
Theo Đề án Phát triển cây cao su, thì tương lai cây cao su ở Yên Bái thật sáng ngời, khi so sánh với nhiều loại cây trồng truyền thống khác. Với giá cao su xuất khẩu mà Đề án tính toán chỉ có 28-32 triệu/tấn, thì trồng cao su đã gấp 1,6 lần so với cây chè, 2,7 lần so với cây quế. Mục tiêu đến năm 2010- 2015 Yên Bái trồng mới 5.000 ha cao su đại điền. Kế hoạch năm 2010 trồng mới 600 ha, từ năm 2011-2015 trung bình mỗi năm trồng mới từ 1.000- 2.000 ha. Diện tích của các Cty lâm nghiệp sẽ làm “xương sống” cho diện tích cao su đại điền, mỗi Cty sẽ chuyển đổi từ 1.000- 1.500 ha sang trồng cao su. Sau khi phát triển diện tích cao su đại điền sẽ phát triển cao su tiểu điền, để đạt được mục tiêu 20.000 ha.
Để có "đất sạch" cho Cty CP Cao su, ngày 2/6/2010 UBND tỉnh Yên Bái ban hành QĐ số 790/QĐ-UBND thu hồi 1.586,94 ha đất nông nghiệp của lâm trường Văn Chấn, Văn Yên giao cho Cty CP Cao su Yên Bái thuê trồng cao su, trong đó lâm trường Văn Yên là 935 ha. Toàn bộ diện tích của lâm trường Văn Yên là rừng trồng, còn 555 ha của lâm trường Văn Chấn là rừng phòng hộ trồng thông mã vĩ đã chuyển sang rừng sản xuất, được trồng từ năm 2002- 2003, đường kính gốc mỗi cây trung bình 20-25cm.
Gỗ rừng thông được khai thác để giao đất cho Cty CP cao su Yên Bái
 
Sớm hiện thực hóa Chương trình phát triển cao su tại Yên Bái, ngay sau khi QĐ số 790/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái có hiệu lực, 555 ha rừng thông do lâm trường Văn Chấn quản lý, 236 ha rừng trồng của lâm trường Văn Yên trong đó có nhiều lô rừng mới trồng chưa đến tuổi khai thác cũng bị chặt hạ để lấy đất trồng cao su. Để có "đất sạch" giao cho Cty CP Cao su Yên Bái thuê, tỉnh Yên Bái do không có tiền đền bù giải phóng mặt bằng, Cty CP Cao su Yên Bái đã ứng luôn số tiền đó rồi trừ vào tiền thuê đất mà Cty phải trả cho tỉnh Yên Bái sau này. Số tiền mà Cty CP Cao su đã ứng là 10,401 tỷ (lấy tròn số) cho tỉnh Yên Bái để làm công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay tỉnh Yên Bái đã bàn giao "đất sạch" cho Cty CP Cao su là 955,6 ha để trồng cao su.
Một vị lãnh đạo của tỉnh Yên Bái sau khi thăm đồi cao su mới trồng đã hứng khởi phán rằng: Cây cao su cần phải đưa lên trồng ở huyện Trạm Tấu, để tạo động lực phát triển kinh tế cho huyện vùng cao này… Năm 2010, Cty CP Cao su Yên Bái tổ chức trồng 330 ha cao su ở hai huyện Văn Chấn và Văn Yên bằng các giống: GT1, RRim 600, Ric 121, Lai Hoa 83/85. Theo báo cáo "Đánh giá tình hình phát triển cao su tỉnh Yên Bái" của Sở NN-PTNT, thì giống cao su GT1 có khả năng chịu rét tốt hơn các giống còn lại, tỷ lệ chết thấp.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Yên Bái tiếp nhận cây cao su giống
 
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ngày 2/3/2011, thì diện tích cao su chết rét do Cty CP Cao su Yên Bái báo cáo là 40-50%. Hy vọng diện tích cao su còn lại sẽ phục hồi khi trời ấm dần lên, nhưng đợt rét từ ngày 12-18/3/2011 thì hầu như xóa sổ toàn bộ số cao su còn lại.
Trước những thông tin khác nhau về tỷ lệ sống của cây cao su, ngày 24/3/2011 PV báo NNVN đã tới xã Sơn Lương (Văn Chấn), ông Hà Ngọc Thiết- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Theo qui hoạch, xã Sơn Lương trồng 240 ha cao su, năm 2010 đã trồng 73 ha, tại 3 thôn: Bản Dõng, Bản Mười và Bản Xé. Đợt rét thứ nhất thấy cao su chết một ít, sau Tết Nguyên đán còn nhìn thấy lá cao su từ cành ghép, nhưng sau đợt rét thứ hai thì chẳng nhìn thấy một lá nào. Có lẽ đã chết hết cả rồi…
Anh Hà Trung Thực, cán bộ lâm nghiệp xã đưa chúng tôi lên xem đồi cao su xã Sơn Lương và Nậm Lành trồng dọc QL 32. Gốc và cành ghép nhô lên khỏi mặt đất đều khô đét lại như củi, một cán bộ Phòng NN-PTNT Văn Chấn đi cùng nhổ vài gốc cây lên, thấy rễ đen sì, anh bảo: Cây như thế này là chết thật rồi, chết trăm phần trăm chứ đừng nói là chết vài chục phần trăm, rét đến nỗi trâu bò còn bị đốn ngã hàng loạt, huống gì cây cao su vốn ưa trồng ở xứ nóng…
Đào hố trồng cao su thử nghiệm
 
Ông Nguyễn Văn Nguyên -GĐ Lâm trường Văn Yên cho biết: Năm 2010 tôi được Cty Cao su Yên Bái thuê tổ chức trồng cao su, vừa qua tôi có đi xem diện tích cao su đã trồng, quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm của người trồng rừng tôi thấy tỷ lệ cao su sống là rất ít. Có người bảo cây cao su vẫn sống, đây là thời gian cây cao su ngủ, thì tôi chẳng rõ…Một vị lãnh đạo huyện Văn Yên cho biết: Chúng tôi đề nghị Cty Cao su đánh giá tỷ lệ cây chết, nhưng họ vẫn chưa làm. Cành ghép thì chết 70-80% rồi, có chăng chỉ còn gốc ghép là sống thôi…
Đến lúc này tỷ lệ cây cao su trồng ở Yên Bái chết bao nhiêu phần trăm vẫn là "ẩn số". Với thông tin từ lãnh đạo Sở NN-PTNT Yên Bái và lãnh đạo hai huyện Văn Chấn, Văn Yên thì năm 2011 tất cả diện tích cao su chết sẽ được Cty CP Cao su Yên Bái trồng lại. Dự kiến năm 2011 tỉnh Yên Bái phải giải phóng 1.959 ha rừng và đất rừng, trong đó huyện Văn Yên là 1.403 ha, huyện Văn Chấn 556 ha "đất sạch" giao cho Cty CP Cao su Yên Bái tổ chức trồng, thời gian trồng sớm hơn và thay thế những giống có khả năng chịu rét. Với một quyết tâm như vậy thì tất cả đều phải chờ xem, liệu cây cao su có phải là "cây vàng" như điều bao người mong đợi. Còn lúc này nhìn lên đồi cao su, PV báo NNVN thấy từng đàn trâu đang quần thảo, thì không khỏi ngao ngán.
Ông Nguyễn Hợp Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Cây cao su chết rét có nhiều nguyên nhân, trước hết phải xem giống cao su đó có chịu được rét không, thời vụ trồng có phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây. Cao su trồng ở huyện Văn Chấn chết rét nhiều, có thể là do thời tiết năm nay quá khắc nghiệt, rét chưa từng thấy trong mấy chục năm qua, thời gian trồng vào cuối năm rễ chưa phát triển, gặp rét khiến cây bị chết.
Trao đổi với PV NNVN, một cán bộ ngành nông nghiệp nhấn mạnh, phát triển cây cao su ở Yên Bái nói riêng, ở miền núi phía Bắc nói chung không thể triển khai một cách nóng vội. Theo đó, trước hết chúng ta phải thực hiện tốt việc khảo sát, lập quy hoạch những diện tích hội tụ đủ khả năng trồng cao su. Trên cơ sở quy hoạch, phải nghiên cứu, đưa vào những bộ giống tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất khắc nghiệt của vùng đất này. Có như vậy, cây cao su mới có thể đứng vững, phát triển.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/75984/Default.aspx


Tin khác