Nông dân không đủ xăng dầu để sản xuất, ngư dân cam chịu nằm bờ vì hết dầu ra khơi là vấn đề thời sự nhức nhối ở ĐBSCL hiện nay khi hàng loạt cửa hàng xăng dầu đang hạn chế bán ra.
Đồng ruộng chờ...xăng dầu
Hiện bà con nông dân ở An Giang và Đồng Tháp đang bước vào thu hoạch rộ trà lúa ĐX muộn trong điều kiện hết sức khó khăn khi những cơn mưa trái mùa kéo đến. Đa phần ruộng lúa đều bị ngã đổ làm tăng chi phí sản xuất như mua xăng dầu chạy máy bơm thoát nước, tiền công cắt cũng tăng cao (khoảng 250.000 đồng/công). Máy gặt đập liên hợp cũng bắt đầu tăng giá khi giá dầu lên.
|
Nông dân đang làm đất cho vụ hè thu trong điều kiện giá nhiên liệu tăng cao mà lại không đủ sử dụng
|
Tại Đồng Tháp, nhiều nông dân đã thu hoạch lúa xong vụ này, quay sang làm đất cho vụ hè thu tới cũng than phiền vì mấy ngày nay không thể mua được dầu để chạy máy bơm nước vệ sinh đồng ruộng và cày ải đất. Ông Lê Văn Lam, một nông dân ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng cho hay, mấy ngày qua ông mang can đến cửa hàng để mua dầu thì chỉ được bán một cách nhỏ giọt. “Mỗi lần tui xách can đi mua chỉ được 10-20 lít. Ở cửa hàng, họ nói hiện giờ bán dầu không có lời nhiều nên nhập về với số lượng rất ít để bán cầm chừng. Trong khi nhu cầu thì mỗi ngày phải chạy mất từ 60-90 lít mới đủ”- ông Lam nói. Cũng theo ông Lam, để có đủ dầu để chạy máy, nhiều người trong gia đình ông phải thay phiên nhau, chạy đôn chạy đáo ở nhiều cửa hàng để gom mỗi nơi một ít thì mới đủ xài.
Tình cảnh trên cũng diễn ra tương tự ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Mùa gieo sạ đã đến nhưng nông dân vẫn khó tìm được máy cày, máy xới để làm đất vì chủ máy khó tìm mua được dầu để phục vụ cho bà con. Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, xã An Nông (huyện Tịnh Biên, An Giang) vừa thu hoạch xong gần 20 ha lúa ĐX. “Giá dầu tăng như vừa qua là do tình hình chung nên nông dân cũng bấm bụng chịu đựng. Còn chuyện các cửa hàng xăng dầu không bán đủ dầu trong thời điểm này đang khiến bà con vô cùng bức xúc. Mấy bữa nay tui kêu mấy đứa con ra chợ mua dầu về xài mà không có cửa hàng nào bán cả. Họ đưa ra nhiều lí do để không bán dầu cho mình như nguồn cung không đủ hoặc bán không lời nhiều rồi bỏ mặc nông dân. Túng quá, tui kêu thằng cháu chạy gần 20 cây số vô tới Lạc Quới (huyện Tri Tôn, An Giang) mới mua được hơn nửa can dầu (20 lít) về chạy cày xới đỡ cho mấy miếng ruộng nằm ở trên cao trước. Khi nào có đủ dầu mới làm hết mấy miếng còn lại”.
Ngư dân không thể vươn khơi
Không chỉ người nông dân làm ruộng gặp khó khăn mà hàng ngàn ngư dân vùng biển cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu dầu để ra khơi. Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ tàu cá ở TP Rạch Gía (Kiên Giang) than phiền: “Gia đình tôi có 4 chiếc tàu đánh cá và một số anh em chung đoàn cũng lên đến hơn chục chiếc. Mỗi lần đi đánh xa bờ phải mang theo hàng chục ngàn lít dầu để chạy cả tháng trời trên biển. Anh em chúng tôi đã định ngày 25/3 sẽ nổ máy vươn khơi nhưng khi đi mua nhiên liệu, mấy cây xăng dầu đã đưa ra nhiều lí do để ngừng bán. Họ hẹn đến thứ hai (28/3) sẽ cung cấp dầu nhưng khi tàu đến bến để đổ thì họ lại nói là dầu vẫn chưa về kịp. Bí quá, chúng tôi gọi điện thoại để nài nỉ thì chủ nhiều cây xăng còn không nhấc máy”.
Cũng theo ông Hậu, trung bình mỗi chiếc tàu ra khơi phải chi phí từ 400-500 triệu đồng, từ việc mua nước đá, nhiên liệu đến tiền công cán cho anh em bạn tàu… Do đó, nếu không có nhiên liệu, lỡ chuyến ra khơi thì coi như chủ tàu đem tiền ra bỏ biển.
Ông Tô Duy Đại, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá cho biết, trong mấy ngày qua ông đã nghe nhiều chủ tàu phàn nàn về việc không thể mua được dầu để ra khơi. “Đây không phải là lần đầu ngư dân gặp khó về tình trạng này. Trước đây hơn một tháng, khi xăng dầu rục rịch tăng giá, ngư dân cũng đã khốn đốn vì nhiều cửa hàng xăng dầu găm hàng không chịu bán. Chúng tôi đã phải nhiều lần lên tiếng tới UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan thì tình hình mới tạm thời được tháo gỡ”.
Cũng theo ông Đại, cứ mỗi lần có tin đồn xăng dầu lên giá là các cửa hàng, đại lí xăng dầu lập tức găm hàng và đưa ra nhiều lí do để từ chối bán hàng cho ngư dân. "Có trường hợp, các ông chủ còn cho sà lan chở dầu neo đậu ngoài khơi, chờ lên giá mới chịu vào bờ và bơm bán cho ngư dân" -ông Đại cho hay.
Để chấm dứt tình trạng này cũng như tháo gỡ khó khăn cho nông, ngư dân, các các ngành chức năng cần triển khai ngay việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa hàng, đại lí xăng dầu ở địa phương. Đồng thời xử lí thích đáng các cây xăng dầu đang cố tình vi phạm để trục lợi.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/76050/Default.aspx