Tất cả nhà máy đường thoi thóp!

30/03/2011

Niên vụ mía 2010 - 2011 đang về nước rút và theo đó 38 Cty đường trong cả nước đang thoi thóp trước viễn cảnh giá đường giảm, đường tồn kho mỗi ngày một tăng, Cty thiếu vốn trả tiền mua mía của nông dân và phải gánh lãi suất ngân hàng 18 – 21%/năm.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết: Đến thời điểm này các nhà máy đường trong cả nước sản xuất được khoảng 860.000 tấn, và theo đó giá đường bán buôn hiện đã sụt giảm hơn 1.000 đồng/kg và đang đứng ở mức giá 18.500 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ. Sản lượng đường tồn kho của tất cả Cty trong cả nước tính đến ngày 29/3 là khoảng 400.000 tấn đường. Các nhà máy đường có số lượng tồn kho lớn nhất là nhà máy đường Tây Ninh sản xuất được 76.000 tấn nhưng tồn kho 50.000 tấn; Nhà máy đường Việt – Đài, sản xuất 40.500 tấn, tồn kho 30.000 tấn; Nhà máy đường Lam Sơn sản xuất 70.000 tấn, tồn kho 51.159 tấn; Nhà máy đường Khánh Hòa sản xuất 30.000 tấn, tồn kho 29.000 tấn... Giá đường giảm đã kéo theo giá mía nguyên liệu về cuối vụ giảm và đang đứng ngay mức giá xuất phát điểm là 1.200 đồng/kg 10CCS tại bàn cân nhà máy.
 
Ông Long tính toán: Nếu lượng đường tồn kho ngay trong lúc này không được giải phóng thì mỗi tháng Cty phải tốn thêm phí lưu kho là 280 đồng/kg. Khổ hơn thế nữa là lượng tồn kho càng nhiều thì lãi suất ngân hàng tăng thêm từng ngày vì tất cả vốn nằm trong đống đường tồn kho. Không chỉ vậy mà Cty sẽ không có vốn trả tiền mía nguyên liệu cho nông dân. Chính điều này mà Cty CP mía đường Tây Nam (nhà máy đường kiên Giang và Cà Mau) đã chọn giải pháp dừng cỗ máy 5 ngày nay mặc dù ở ĐBSCL vẫn còn khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu. Giá đường giảm do các nhà máy đường cạn vốn trả tiền mua mía nguyên liệu buộc lòng phải bán đường trong thời điểm sản xuất.
Mặt khác, chính lãi suất ngân hàng quá cao nên các nhà thương mại không tham gia thu mua dự trữ. Trong khi đó năm trước lực lượng thương mại sẵn sàng thu mua dự trữ nên đã tiếp được gánh nặng cùng Cty. Hiện tại, sản xuất thì không thể ngưng nhưng lại bán ra không được nên buộc lòng các Cty phải ôm đường tồn kho miễn cưỡng. Trước Tết giá đường bán ra là 19.500 – 20.000 đồng thì nay đã giảm và chỉ còn 18.500 đồng/kg, đường loại 2, 3 chỉ còn 17.000 đồng/kg. Hiện thời, sản lượng đường trong nước đủ đáp ứng nhu cầu, vì trong thực tế, năm nay mía trúng mùa, sản lượng đường sản xuất đã tăng 150.000 – 200.000 tấn. Nếu ngay trong lúc này nhập đường về ồ ạt thì khả năng giá đường sẽ tiếp tục giảm giá khi đó không chỉ nhà máy chết mà nhà thương mại đường và kể cả nông dân cũng lụy theo.
Ông Long nói: Nhà nước thương người tiêu dùng thì hãy thương người trồng mía. Hiện tại, bình quân mỗi năm một người tiêu dùng sử dụng khoảng 10 kg/năm. Nếu bỏ bài toán lên bàn sẽ rõ: giá đường tăng thêm 2.000 đồng/kg thì người tiêu dùng chỉ tốn thêm 20.000 đồng/năm. Nếu giá đường giảm 2.000 đồng/kg thì sẽ kéo theo giá mía giảm 200 đồng/kg mía nguyên liệu thì người trồng mía mất đi nguồn thu nhập là rất lớn. Chính giá đường chưa bình ổn nên mấy năm qua ngành đường không phát triển được vì giá cả bấp bênh nên nông dân chưa mặn mà với cây mía. Nếu như năm 2000 đã đạt kế hoạch 1 triệu tấn đường thì 10 năm sau cũng chỉ đạt 1 triệu tấn đường. Điều này chứng tỏ ngành mía đường đang dậm chân tại chỗ không phải lỗi của các Cty, của nông dân mà là do từ lâu nay chính sách đầu tư để phát triển ngành đường chưa thật sự xứng tầm.
Chính sách đầu tư ưu đãi cho cây mía thật sự quá ít so với các cây trồng khác. Cây lúa, con cá tra... khó khăn thì được nhà nước chỉ đạo hỗ trợ còn cây mía thì vẫn chưa được quan tâm mạnh. Trong khi đó, với diện tích mía 250.000 ha đang giúp cho 357.000 hộ dân hưởng lợi. Và theo định hướng đến năm 2020 thì sản lượng mía cả nước là 2 triệu tấn thế nhưng chính sách đầu tư phát triển vẫn còn lập lờ. Nếu xác định cây mía là một trong những cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp thì không để cho ngành đường tự bơi. Hiệp hội mía đường Việt Nam là đơn vị tham mưu, điều phối, còn việc làm thực tế cần phải có chính sách đầu tư ưu đãi của Trung ương. Để nuôi nông dân trồng mía thì giá đường trong nước phải cao hơn giá đường thế giới. Muốn bảo vệ người trồng mía phải bảo vệ giá đường là giải pháp tốt nhất. Để phát triển ngành mía đường Chính Phủ phải sớm có chính sách bảo hộ cho người trồng mía, có chính sách tốt cho các đơn vị tham gia sản xuất và chế biến mặt hàng nông nghiệp này.
 
Hiện tại, Hiệp hội cũng đã tính toán, để giúp người trồng mía ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên thu được lợi nhuận 40 triệu đồng/ha/năm giá đường phải ở mức 25.000 – 27.000 đồng/kg, khi đó giá mía nguyên liệu là 1.700 đồng/kg. Đối với ĐBSCL với mía có năng suất 90 tấn thì chỉ cần giá đường giữ mức bán buôn 18.500 đồng/kg trở lên thì nông dân sẽ sống được với nghề trồng mía. Trước những khó khăn hiện tại, các nhà máy đường phải tự cứu lấy mình bằng cách cân đối vốn trả chậm cho nông dân. Trong tiêu thụ đường không nên quá dồn dập mà phải cân đối sao để có tiền vốn xoay vòng.
Ông Long nói: Phía Hiệp hội sẽ thương lượng với các nhà thương mại để cho các Cty ứng vốn và phần lãi suất Cty sẽ chịu theo mức thỏa thuận. Để cho các nhà máy đủ sức thu mua hết mía của nông dân trong thời gian còn lại thì Hiệp hội xin đề xuất Chính phủ cần có một nguồn vốn hỗ trợ cho ngành đường và cần có chính sách bình ổn giá đường trong những lúc giá đường tăng và giá đường giảm. Đối với kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn đường nên chậm lại tiến độ để bình ổn giá trong nước. Giảm áp lực cung sẽ là một giải pháp cứu ngành đường vượt qua tình trạng thoi thóp hiện nay.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/76115/Default.aspx


Tin khác