Đẩy mạnh kiểm tra thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản

05/04/2011

Trước việc Chính phủ Nhật Bản yêu cầu người dân không được sử dụng một số loại nông sản do lo ngại nhiễm chất phóng xạ, ảnh hưởng đến sức khỏe, các ngành chức năng của nước ta cũng đã đề ra nhiều biện pháp để đối phó với thực phẩm nhập khẩu bị nhiễm xạ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phùng Hữu Hào (ảnh), Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết:

Trước nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở Nhật Bản, mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã họp khẩn các đơn vị của bộ, các bộ ngành liên quan để tham vấn các biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản nhập khẩu có nguồn gốc từ Nhật Bản. Các bên đã thống nhất Bộ Y tế là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ để kiểm soát vấn đề này.
Chúng ta đang nhập những mặt hàng nông sản nào của Nhật Bản, thưa ông?
Việt Nam đang nhập 3 dòng sản phẩm từ Nhật Bản. Thứ nhất là táo, bí đỏ, rau củ quả tươi; thứ hai là cá, tôm; và cuối cùng là sữa và các sản phẩm từ sữa. Trong đó, nhiều nhất là nhóm thủy sản (cá và mực), nhập về tiêu thụ trong nước và gia công rồi xuất khẩu, tuy nhiên, số lượng và kim ngạch không đáng kể.
Từ ngày 1/9/2010 đến nay, chúng ta không nhập các lô hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng từ Nhật Bản. Đáng lưu ý là các sản phẩm nhập từ Nhật chủ yếu được đưa vào nhà hàng, quán ăn Nhật cao cấp nên rất ít người Việt Nam tiếp cận được.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố một số mẫu rau và sữa tại 4 tỉnh bị nhiễm xạ, nước ta có nên cấm nhập khẩu các mặt hàng này?
Vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho người dân, vì vậy, tại cuộc họp khẩn giữa các bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tài chính và Nông nghiệp và PTNT, các ý kiến đều cho rằng trước mắt, chúng ta không áp dụng việc tạm đình chỉ nhập khẩu mà thay vào đó sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát.
Là một trong những đầu mối quan trọng thực hiện việc kiểm tra chất lượng các mặt hàng nông sản nhập khẩu, ông có thể cho biết, Cục đã có những biện pháp gì để kiểm soát vấn đề trên?
Ngày 28/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã có Công văn số 1661/TB-BNN-VP về việc yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản. Theo đó, Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản là đầu mối phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và PTNT), các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chuẩn/quy chuẩn về an toàn nhiễm xạ đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, yêu cầu các cục Thú y, Bảo vệ thực vật triển khai ngay các biện pháp cấp bách kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản... 
Đồng thời, Bộ cũng liên hệ với Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), đề nghị cử cán bộ dự tập huấn về lấy mẫu, tổ chức phân tích, đánh giá mức độ nhiễm xạ đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu từ Nhật.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ kiểm tra thịt, cá; Bộ Y tế kiểm tra sữa và rau, củ quả tươi. Mặt khác, chúng ta sẽ sử dụng các mức quy định của Codex, tổ chức tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, để áp dụng ở Việt Nam.
Việc phối hợp kiểm tra, kiểm soát thực phẩm nhập khẩu với các cơ quan của Nhật Bản sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Bộ Y tế đã có công hàm thông báo cho phía Nhật Bản đề nghị cập nhật thông tin về tình hình nhiễm xạ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thông báo chủ trương kiểm soát thực phẩm nhập từ nước này, cụ thể đối với một số nhóm hàng và tập trung vào 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Tuy nhiên, chỉ kiểm tra đối với những lô hàng xuất cảng sau ngày 11/3, và sẽ trả lại khi không đạt yêu cầu về an toàn phóng xạ.
Ngoài ra, sẽ đề nghị phía Nhật Bản chỉ định các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đối với các lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam, kiên quyết chỉ xuất những lô hàng đáp ứng an toàn phóng xạ có chứng thư đi kèm. Trong đó, nêu rõ kết quả kiểm nghiệm về mức độ ô nhiễm phóng xạ an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, kể cả khi có chứng thư, tới đây, nếu vào Việt Nam, các cơ quan kiểm soát cửa khẩu vẫn lấy mẫu để giám sát, kiểm tra lại, tất nhiên là theo tần suất nhất định. Có thể 5 lô chỉ lấy mẫu 1 lô, nếu không phát hiện thực phẩm nhiễm xạ, sẽ cho thông quan bình thường. Nếu phát hiện nhiễm xạ, một mặt chúng tôi sẽ thông báo cho cơ quan thẩm quyền phía bạn biết, mặt khác yêu cầu tái xuất. Và trong trường hợp này, sẽ áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường cứ 3 lô lấy mẫu 1 lô. Và nếu cứ 2 lô liên tiếp phát hiện thì toàn bộ lô hàng đó đều bị giữ lại để kiểm tra.
Đến thời điểm này, chúng ta đã phát hiện sản phẩm nào bị nhiễm xạ nhập khẩu vào Việt Nam?
Hiện nay mọi thứ vẫn đang nằm trong vòng kiểm soát của các cơ quan chức năng của Việt Nam. Đến thời điểm này vẫn chưa có mẫu nào vượt quy định của Codex.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
 
 

Tin khác