Do nhà máy không có tiền mua mía, nông dân đã bị đẩy vào thế bí. Nếu như mọi năm vào thời điểm cuối vụ, giá mía lẫn giá đường đều tăng khiến các nhà máy tranh giành nhau mua mía để tăng cường sản xuất. Thế nhưng hiện nay mọi chuyện trái ngược, đường cát chất đầy kho mà chẳng ai thèm ngó.
|
Nông dân trồng mía ở ĐBSCL đang rất lo lắng vì giá mía giảm. |
Đường bán… chẳng ai mua!
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Bến Tre cho biết: “Từ đầu vụ đến nay công ty sản xuất được gần 17.500 tấn đường, dù tập trung quyết liệt cho tiêu thụ nhưng vẫn còn tồn 5.000 tấn, kêu bán rất khó khăn. Nguồn vốn bị vây chặt, trong khi mỗi ngày cần trên 2,5 tỷ đồng để trả tiền mua mía nguyên liệu”.
Ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) rầu rĩ: “Từ tháng 9- 2010 đến nay sản xuất được 30.000 tấn đường, mặc dù nhà máy đẩy mạnh bán vào trước Tết nhưng vẫn tồn kho gần 10.000 tấn. Với công suất 2.300 tấn mía/ngày, nhà máy đang lo 4 tỷ đồng/ngày để mua mía duy trì hoạt động đến cuối tháng 4”.
Lượng đường tồn kho của 2 nhà máy Bến Tre và Phụng Hiệp được cho là khiêm tốn so với nhiều nhà máy khác. Điển hình như Nhà máy đường Khánh Hòa sản xuất được 30.000 tấn nhưng tồn kho tới 29.000 tấn; Nhà máy đường Lam Sơn sản xuất 70.000 tấn, tồn kho 51.159 tấn; Nhà máy đường N.A Tate & Lyle sản xuất 47.476 tấn, tồn kho 39.500 tấn…
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, 38 nhà máy trong cả nước sản xuất từ đầu vụ đến giữa tháng 3.2011 được gần 860.000 tấn, nhưng lượng tồn kho chưa bán được đến 418.900 tấn - lớn nhất từ trước đến nay.
Để đảm bảo quyền lợi cho nông dân trồng mía, Hiệp hội Mía đường VN đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét tạm ngưng nhập đường đối với những doanh nghiệp đã cấp phép mà chưa nhập, nhằm giảm áp lực đường tồn kho, hoặc cắt giảm quota nhập đường.
|
“Không để nông dân bị lỗ...”
Theo các nhà máy đường, giá đường hiện nay chưa đến nỗi khiến nhà máy và nông dân trồng mía thua lỗ, nhưng trớ trêu là “đầu ra” bế tắc khiến các nhà máy đã thiếu vốn lại càng thiếu nặng hơn.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ cho rằng: Thông thường những năm trước đây các đại lý và nhà phân phối mua số lượng đường rất lớn để dự trữ và bán ra thị trường quanh năm. Tuy nhiên, năm nay do lãi suất ngân hàng quá cao và rất khó vay nên đại lý và nhà phân phối không dám liều lĩnh mua đường nhiều, họ mua rất hạn chế đủ để bán. Các nhà máy từ chỗ lo sản xuất bỗng trở thành “nhà dự trữ bất đắc dĩ”.
Do bị dồn vào chân tường, nên những ngày qua các nhà máy ùn ùn bán đường. Quy luật của thị trường nếu bán càng nhiều dẫn đến cung vượt cầu thì giá càng thấp. Không ít đại lý và nhà phân phối đã lợi dụng để “ép” nhà máy đường.
Môt lãnh đạo Hiệp hội Mía đường VN lo lắng: “Nhà máy khó thì nông dân trồng mía sẽ bị vạ lây. Bình quân mỗi nhà máy đang cần từ 2- 4 tỷ đồng/ngày trở lên để trả tiền mua mía. Do thiếu tiền nên tốc độ mua mía bị chậm lại và giá mía giảm là chuyện hiển nhiên”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn thừa nhận: “Trước đây giá mía rất cao nhưng nay cố gắng chỉ dám mua 1.150 đồng/kg, loại 10 chữ đường, tại nhà máy”.
Trao đổi với chúng tôi vào chiều 31.3, ông Phạm Hồng Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “Toàn huyện còn đến 1.800ha mía chưa thu hoạch, hiện thời giá mía giảm xuống còn 1.100- 1.200 đồng/kg nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Nhiều hộ trồng mía lo lắng nếu kéo dài thời gian thu hoạch sẽ tăng chi phí đầu vào, trong khi giá mía giảm sẽ rất bất lợi”.
Trước tình hình trên, theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN: “Dù các nhà máy gặp khó khăn về vốn nhưng vẫn nỗ lực thu mua hết khoảng 150.000- 190.000 tấn mía còn lại ở ĐBSCL. Trong đó, hiệp hội yêu cầu các nhà máy lớn phải thể hiện trách nhiệm, không để nông dân bị lỗ.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/37959p1c25/ton-kho-hon-400000-tan-duong-bi-va-lay.htm