Giá cá tra giống tăng chóng mặt

06/04/2011

Cá tra giống tại ĐBSCL đang tăng giá một cách chóng mặt và rơi vào tình trạng khan hiếm. Khan giống, nguy cơ cá tra bố mẹ đang bị suy thoái, do “ép đẻ” quá nhiều.

Dọc quốc lộ 91 (Q.Ô Môn, thành phố Cần Thơ), hàng chục cơ sở ươm cá giống đủ loại cá tra, cá trê, điêu hồng, cá rô… vốn hoạt động rầm rộ, cung ứng mỗi năm hàng trăm triệu con cá giống ra thị trường. Tuy nhiên, rất khó tìm mua được giống thời điểm này. 

Giá cao vẫn... lắc đầu

Giá cá tra nguyên liệu ở mức cao, nhiều cơ sở bắt đầu thả nuôi lại, nhưng thời điểm này, nếu tìm mua cá giống tại các cơ sở lớn như Nguyên Tỷ - Út Nhung, doanh nghiệp tư nhân nuôi trồng thủy sản Tám Hùng,… dọc quốc lộ 91 đều nhận được  lắc đầu không có giống. Ông Nguyễn Xuân Vang, Chủ doanh nghiệp tư nhân Xuân Vang (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) cho biết, cá tra giống không đủ bán. Hiện giá cá giống loại 1,2 - 1,5 phân giá 800 - 900 đồng một con, loại 2 phân 1.700 đồng, tăng 500 - 1.000 đồng so với năm trước. 
Cá tra giống ở ĐBSCL đang khan hiếm một phần nguyên nhân do chất lượng đang suy thoái.

 

Ông Ba Học, chủ cơ sở cá giống Ba Học (phường Long Hưng, quận Ô Môn, Cần Thơ) cho biết, tình trạng cá giống khan hiếm, giá cao khiến các cơ sở quay lại với nghề. Ông Học cũng vừa thả lại lứa giống được 20 ngày sau thời gian nghỉ ươm giống cá tra. Tuy nhiên, phải đến hai tháng sau mới có thể cải thiện được tình trạng thiếu cá giống, vì thời điểm này cũng mới có một số cơ sở  ươm giống trở lại. 

Tỷ lệ thành công thấp

Nguyên nhân các cơ sở ươm giống chưa mạnh dạn đầu tư lại, theo lý giải là việc ươm giống ngày càng khó khăn. Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết, từ tháng 9/2010 đến nay, nhiều cơ sở ươm giống gần như không đạt, thuốc tạo ra trứng bị đẻ non. Còn bà Nguyễn Thị Nụ, chủ cơ cở cá giống Hằng Hải (phường Thới Hòa, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) khẳng định, 10 năm làm nghề ươm giống cá tra, giờ đành nói lời “chia tay”, dù có rất nhiều người đến hỏi mua giống. Nguyên nhân, năm 2009, 20 tấn cá tra giống sắp tới ngày xuất thì đột ngột chết, lỗ cả tỷ đồng; năm 2010 thả ươm 15 tấn, nhưng giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu cao hơn giá bán, người nuôi “treo ao” nên đầu ra cá giống không có, lỗ thêm 300 triệu đồng, hết vốn làm tiếp vụ này. Nhưng nguyên nhân lớn hơn khiến các cơ sở ươm cá giống “dẹp nghề”, là tỷ lệ ươm thành công của cá tra giống ngày càng thấp, do môi trường ô nhiễm, cá giống kém chất lượng… 

Suy thoái vì bị... ép đẻ

Theo các địa phương, người nuôi và doanh nghiệp trong vùng, giống cá tra những năm gần đây có dấu hiệu suy thoái, do chất lượng đàn cá bố mẹ không đảm bảo, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm. Chị Nguyễn Thị Nhung, chủ cơ sở cá giống Nguyên Tỷ-Út Nhung lý giải tỷ lệ ươm cá giống hao hụt cao, là do cá bố mẹ bị “ép đẻ” quá nhiều, và đàn cá bố mẹ bị suy thoái. Còn anh Nguyễn Minh Nhựt, chủ cơ sở sản xuất cá tra giống Minh Nhựt (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) thừa nhận, người ươm cá tra giống phải chích thuốc thật nhiều, cá bố mẹ mới chịu sinh sản, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. 

Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng xác nhận, chất lượng giống cá tra những năm gần đây có dấu hiệu suy thoái, do đàn cá bố mẹ không đảm bảo. Một bộ phận trại sản xuất giống nhân tạo do sức ép cạnh tranh về thị trường đã cố tình bắt cá đẻ ép, đẻ nhiều lần trong năm, lai cận huyết. Trong khi đó, dự án “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL”, do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn giao cho Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 chủ trì thực hiện, thì phải sau 2 - 3 năm nữa mới phát huy hiệu quả.  

Tính toán của Tổng cục thủy sản, năm 2011, khu vực ĐBSCL cần khoảng 2,5 - 2,6 tỷ con giống cá tra các loại phục vụ cho diện tích thả nuôi từ 6.000- 6.300ha. Song, toàn vùng có 175 cơ sở sản xuất cá tra giống (chỉ bằng 82% so với năm 2009), nên việc thiếu cá tra giống là đều dễ hiểu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, theo đề án phát triển cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020, trước năm 2015 phải thay toàn bộ giống hiện trạng không đảm bảo bằng giống chất lượng cao và sạch bệnh. Riêng năm 2011 sẽ chuyển giao 100.000 con cá tra hậu bị cho ĐBSCL.
 
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/4/27766.html


Tin khác