Nền kinh tế mắc kẹt với lãi suất cao

06/04/2011

Trong cuộc giao ban xuất khẩu sáng 5.4 của bộ Công thương, các doanh nghiệp đồng loạt than thiếu vốn, khó vay. Có thể nói, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát đã đẩy lãi suất tăng cao, gây khó khăn bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế.

Trong đó, ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu – đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên vay vốn, cũng than khó.
Doanh nghiệp mất thị trường
Theo ông Nguyễn Thái Học, chủ tịch hiệp hội Điều Việt Nam, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hạt điều năm nay vào khoảng 25.000 tỉ đồng, trong đó dự kiến vay khoảng 20.000 tỉ đồng. Nhưng quý 1 chỉ mới giải quyết được 10% tổng nhu cầu, chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp. “Từ tháng 4 – 6 tới, chúng tôi cần vay khoảng 12.000 tỉ đồng nhưng khó quá, không chỉ vì lãi cao mà tiếp cận vốn cũng quá khó”, ông Học nói.
Nhiều ngân hàng đến tận nơi mời các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào vay, nhưng các doanh nghiệp này cho biết họ cố tự xoay xở chứ không muốn vay nân hàng vì lãi suất quá cao.
 
Phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến đồ gỗ TP.HCM Trần Quốc Mạnh cũng phản ánh có doanh nghiệp gỗ tại TP.HCM vì thiếu vốn mua nguyên liệu nên đành nuối tiếc nhìn đơn hàng của mình rơi vào tay một đối thủ khác tại Malaysia.
Ông Đỗ Hoài Nam, chủ tịch hiệp hội Hồ tiêu, kiêm phó chủ tịch hiệp hội Càphê cũng phản ánh, vì thiếu vốn nên các công ty xuất khẩu càphê của ta khi thu mua càphê trong dân phải “chạy sau” các công ty có vốn nước ngoài. Đến khi mua được hàng để xuất thì... thị trường rớt giá.
Chính sách khó thực thi
Có thể nói, Chính phủ, ngân hàng Nhà nước cũng thấy được những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ và đã có chính sách ưu tiên cho vay sản xuất, xuất khẩu – những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng không dễ dàng chút nào.
Khẳng định đã “nghe rất nhiều về chính sách ưu tiên vốn của ngân hàng cho khu vực sản xuất” song, phó chủ tịch hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng bức xúc: “Khó khăn này không phải tạo ra bởi các chính sách mà là vì thực hiện không đến đâu. Và thực tế các doanh nghiệp thuỷ sản đang đứng thứ hạng bét trong tiếp cận vốn, dù chúng tôi sẵn sàng chấp nhận vay lãi cao”.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Mạnh cho rằng tình trạng khó tiếp cận vốn mà mất cơ hội thị trường không chỉ rơi vào những trường hợp không đáp ứng điều kiện vay như không có tài sản thế chấp, nợ quá hạn chưa trả hết, tình hình tài chính thiếu minh bạch… Cũng có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ mặc dù đáp ứng đầy đủ tiêu chí nhưng vẫn khó vay vì ngân hàng viện lý do bị khống chế tăng trưởng tín dụng.
Không ai dễ tiếp cận vốn
Giám đốc một doanh nghiệp thuộc top 20 doanh nghiệp xuất khẩu điều cho rằng, nhóm doanh nghiệp lớn với tình hình tài chính minh bạch, làm ăn có lời vẫn được ngân hàng mời gọi vay vốn. Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng cho biết: “Nhiều doanh nghiệp nói khó vay nhưng tôi điều hành tổ xuất khẩu gạo, tôi chứng kiến nhiều ngân hàng đến tận nơi mời các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào vay”.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp dạng này, lãi suất trở thành rào cản. “Chúng tôi cố tự xoay xở lấy vốn kinh doanh chứ không muốn vay ngân hàng vì lãi suất quá cao”, vị giám đốc kể trên nói. Ai chấp nhận vay vốn lãi suất cao? Lãnh đạo các ngân hàng từng nhiều lần lên tiếng: “Lãi suất cao là những khoản cho vay rủi ro cao”.
Như vậy, giảm lãi suất đang là mong muốn thật sự của cả doanh nghiệp, ngân hàng, và Nhà nước. Thế nhưng trên thực tế, lãi suất vẫn đang… bị kẹt ở mức cao chót vót do chính sách tiền tệ thắt chặt.
Với trần huy động là 14%, ngân hàng sẽ buộc phải cho vay ở mức 17,5 – 18% mới tồn tại được. Quy định trần lãi suất huy động là đã bao gồm các khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức. Nhưng ngân hàng vẫn có những cách thức linh động đẩy lãi suất huy động thực cao hơn, đồng nghĩa với lãi suất cho vay cũng cao hơn.
Dĩ nhiên, việc “đua lãi suất” thường xuất phát từ những ngân hàng nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản, nhưng ngân hàng lớn không thể ngoài cuộc nếu không muốn tiền bị rút khỏi ngân hàng mình. Và lãi suất không thể giảm xuống nhanh trừ khi lạm phát đã bị kiềm chế, ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Nếu phải sử dụng trần lãi suất thì trần cho vay phù hợp hơn
Nếu phải sử dụng một công cụ trần lãi suất nào đó để hạn chế rủi ro tín dụng trong điều kiện hiện nay thì trần lãi suất cho vay có lẽ sẽ là công cụ phù hợp hơn. Trong môi trường lạm phát cao và bất ổn, khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thông thường sẽ được các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy cao hơn. Lãi suất cho vay do vậy sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí ở mức bất hợp lý khi thị trường thiếu thanh khoản và gây rủi ro hệ thống khi chỉ có những hoạt động kinh doanh rủi ro cao, lợi nhuận lớn mới có khả năng sử dụng những nguồn vốn giá cao này.
Trong khi đó, việc quy định trần lãi suất cho vay ở mức hợp lý, nếu được thực hiện nghiêm, sẽ giúp hạn chế bớt phần nào rủi ro này. Ngoài ra, việc quy định trần lãi suất huy động 14% còn đang gây bất lợi cho người gửi tiền “nghèo”. Trong khi người giàu, với các khoản tiền gửi lớn, có sức mạnh đàm phán với các NHTM để hưởng lãi suất thoả thuận cao thì người gửi tiền “nghèo” – vốn đã thiếu các công cụ phòng chống lạm phát – lại không có được khả năng này.
TS PHẠM THẾ ANH
 
AGROINFO – Theo Báo Sài Gòn Tiếp thị

Tin khác