Nông sản được coi là một trong những ngành trọng điểm của sự phát triển kinh tế năm nay. Nó không chỉ mang đến nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp (DN) mà còn giúp tăng thu nhập của nông dân và thu về một lượng lớn USD từ xuất khẩu để ổn định cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, thực tế nguồn lợi từ xuất khẩu nông sản lại không nằm trong tay những đối tượng mà chúng ta mong đợi. Lợi ích ấy đang nằm trong túi các DN có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn về vốn.
DN Việt Nam chỉ biết đứng nhìn
Tại buổi giao ban công tác xuất nhập khẩu tháng 3/2011 của Bộ Công thương diễn ra sáng 5/4, ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Hiệp hội tiêu, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết: Mới 3 tháng đầu năm nhưng ngành cà phê đã đem lại 1 tỷ USD. So với năm 2010 lợi nhuận từ cà phê rất lớn. Nhưng thực chất số tiền ấy nằm trong túi các công ty nước ngoài ở Việt Nam. Họ có rất nhiều vốn nên đã bỏ ra gom hàng lúc giá thấp và tổ chức thu mua đến tận người nông dân. Các DN Việt Nam biết là giá sẽ tăng, muốn mua lắm nhưng chỉ đứng nhìn không biết làm gì hơn.
“Vấn đề là vốn. DN của chúng ta biết mà không làm gì được. Hiện nay, DN nước ngoài mua tới 60-70% lượng cà phê trên thị trường Việt Nam” – ông Nam nói.
Ông Nam đưa ra ví dụ ở Brazil, không có chuyện người nước ngoài vào được thị trường của họ, nhưng họ không cấm người nước ngoài mà áp dụng chính sách cấp quota xuất khẩu tự động 3 tháng/1 lần. Các DN phải đăng ký đúng năng lực của mình, khi sử dụng hết quota đó thì mới cấp tiếp. Điều đó có nghĩa DN phải làm, phải xuất khẩu chứ không biến đất nước của mình thành nơi chứa cà phê cho DN nước ngoài kiếm lời.
Tương tự những khó khăn của ngành cà phê, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: Quí 2 là thời điểm thu mua và nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Phi để dự trữ chế biến cho năm 2011, nhưng hiện tại tiếp cận vốn ngân hàng rất khó. Tổng nhu cầu vốn của ngành khoảng 25.000 tỷ đồng, các DN tự cân đối khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng còn chủ yếu là vay ngân hàng. Trong quí 1, chỉ tiếp cận được khoảng 10% trên tổng nhu cầu hiện nay. Trong tháng 2 và 3, các DN tận dụng vốn tự có để thu mua, chế biến xuất khẩu, nhưng vốn này rất hạn hẹp. Trong các tháng trọng điểm tiếp theo, dự kiến các DN ngành điều cần khoảng 12.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được”.
Ông Nguyễn Thái Học đưa ra một bài học “xương máu” năm 2010, Ấn Độ thu mua hết nguyên liệu đến khi các DN Việt Nam có tiền thì lại phải mua giá cao.
Ông Nguyễn Thái Học cũng cho rằng hạn mức vay thế chấp ngân hàng hiện nay quá cao (khoảng 30%). Bên cạnh đó, ông Học đề nghị nên giảm mức thế chấp xuống 10-15% tùy uy tín DN. Với mức 30% như hiện nay thì DN không có vốn sản xuất.
Các DN FDI trong lĩnh vực nông sản sẵn sàng đẩy vốn vào thu mua nguyên liệu để sau này ăn chênh lệch giá. Một ngày nào đó, DN thấy chán quá bỏ đi thì DN nước ngoài sẽ vào. Khi đó, họ sẽ điều khiển thị trường lên xuống thì tùy thích. Hiện nay, cà phê trong dân không còn bao nhiêu. Nhu cầu cà phê trên thế giới hiện tăng cao nhưng giá cà phê tuần vừa rồi lại rớt 300 USD/tấn. “Đơn giản vì các công ty nước ngoài đã điều khiển giá thị trường London rồi” – ông Đỗ Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê nói.
Giải bài toán vốn
Vốn là vấn đề được hầu hết các cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu nêu ra. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, thì giữa NH và DN trong nước phối hợp không đồng bộ. Bởi các ngân hàng (NH) đều khẳng định họ có vốn cho vay.
Ông Đỗ Hoài Nam cho rằng: “Giải quyết bài toán này không phải quá khó. Chính phủ đã qui định hạn mức cụ thể cho từng ngành hàng nông sản. DN Việt Nam không quá cần lãi suất thấp, chỉ cần khi mua hàng thì tập trung được vốn để mua”.
Theo ý kiến của ông Nam, Chính phủ cần giao cho một số NH tổng hạn mức cho cà phê, thuỷ sản, tiêu, điều.... Sau đó, NH đó có nghĩa vụ phải tìm DN làm ăn tốt thì cho vay. Nếu NH nào cho vay hết hạn mức mà Chính phủ giao mà không xảy ra sự cố thì tạo điều kiện, tiếp tục ủng hộ NH đó. NH nào không làm được thì chuyển sang NH khác. DN nào khó khăn thì dùng cơ quan thứ 3 để kiểm tra hàng hóa, tình trạng DN. Làm như vậy thì chúng ta giúp được DN khó khăn vẫn tiếp cận được vốn.
Về phía NH, ông Trần Phú Minh – P. TGĐ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho rằng: “NH phải đảm bảo an toàn tín dụng”. Cùng chung quan điểm này, bà Trần Hồng Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NH Nhà nước Việt Nam) nói: “Vốn cho DN vay luôn sẵn sàng nhưng DN phải đảm bảo có khả năng tài chính và làm ăn hiệu quả. Nhiều DN kêu khó khăn nhưng khi NH hỏi phương án kinh doanh lại không có”.
Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: “Có những lĩnh vực, hiệp hội ngành hàng có năng lực tốt, quy tụ hội viên… thì quyền lợi DN được đảm bảo. Ví dụ Hiệp hội lương thực (VFA) cung cấp danh sách DN có nhu cầu vốn mua tạm trữ cho các NH quốc doanh và thương mại, khi đó, các NH yên tâm cho vay hơn nhiều so với các DN ngoài danh sách”./.
AGROINFO – Theo Báo VOVNEWS
Nguồn:http://vovnews.vn/Home/Loi-ich-roi-vao-tui-doanh-nghiep-nuoc-ngoai/20114/171313.vov