Thị trường Ai Cập: Tiềm năng chờ khai thác

01/04/2011

Ai Cập là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực Bắc Phi, có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa hàng năm lớn. Đồng thời, với vị trí địa lý thuận lợi, Ai Cập còn là điểm trung chuyến đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập năm 2010 ước đạt hơn 200 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu với kim ngạch đạt hơn 180 triệu USD.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập dẫn đầu là hàng hải sản đạt 73 triệu USD, một con số ấn tượng trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ai Cập. Tiếp theo là hạt tiêu 11 triệu USD, nhiên liệu và sản phẩm từ nhiên liệu 18,5 triệu USD, hàng dệt may hơn 10 triệu USD.
Do hàng năm Ai Cập nhập khẩu hàng chục tỉ USD, nên chính sách của Ai Cập trong giao thương với Việt Nam không chú trọng việc xuất siêu hay nhập siêu. Ai Cập luôn có nhu cầu nhập khẩu lớn để đảm bảo cung cầu hàng hóa trong xã hội.
Thị trường Ai Cập không đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa, chỉ cần giá cả và mẫu mã phù hợp. Cơ cấu hàng nhập khẩu của Ai Cập rất đa dạng, trong đó nông sản và hàng tiêu dùng chiếm một tỷ trọng lớn (tiêu dùng hàng thực phẩm chiếm 43% tổng giá trị tiêu dùng, thuộc vào tỉ lệ cao nhất thế giới).
Đáng chú ý là Ai Cập đang cố gắng tìm kiếm một thị trường cung cấp nông sản dồi dào và an toàn thay thế thị trường nhập khẩu truyền thống của họ là Trung Quốc do các vấn đề về chất lượng, sử dụng hóa chất độc hại… Về phía Việt Nam, các DN cũng đã và đang tìm kiếm thị trường “chia lửa” cho các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản,… vốn đang khó khăn sau khủng hoảng kinh tế. Sự gặp nhau giữa DN hai nước sẽ giúp cho quan hệ buôn bán trở nên sôi động, thực chất và khả thi.
Đối với các mặt hàng nông sản như hạt điều, quế, hồi, rau quả, tinh bột sắn… Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và Ai Cập có nhu cầu nhập khẩu cao bởi điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai phần lớn hoang hóa, người nông dân chỉ canh tác được ven hai bờ sông Nile.
Điều thuận lợi nữa là hiện Việt Nam và Ai Cập đều là thành viên của WTO, hai nước đã và đang đàm phán, gia nhập các cam kết đa phương, nhất là các cam kết khu vực sẽ làm cho nền kinh tế mỗi nước năng động hơn trong hợp tác kinh tế đối ngoại.
Ai Cập có thể coi Việt Nam là cửa ngõ để xâm nhập thị trường ASEAN và các thị trường Việt Nam được ưu đãi; trong khi Việt Nam cũng lấy Ai Cập làm cầu nối để vào thị trường Khu vực thương mại tự do Tiểu Arập (GAFTA) và Thị trường chung khu vực Đông Bắc Phi (COMESA) cũng như các nước Ai Cập được ưu đãi.
Tuy nhiên, song hành cùng với những lợi thế vẫn là thách thức cho các DN Việt Nam như khoảng cách địa lý giữa hai nước; vận tải biển xa xôi làm cước phí hàng hóa cao; thương nhân Ai Cập coi trọng gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp mà điều này sẽ bị hạn chế do hai nước không có đường bay thẳng;… Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi mỗi DN cần phải đưa ra một chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường tiềm năng này./.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Tin khác